Gỡ khó cho xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc trong ngắn hạn còn khó khăn

Việc gỡ khó cho xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ còn khó khăn, do đó thời gian tới cần tăng cường xúc tiến tiêu thụ tại thị trường trong nước và các nước khác.

Tôm hùm bông Danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ của Trung Quốc.(Ảnh: PV/Vietnam+)
Tôm hùm bông Danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ của Trung Quốc.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Cập nhật thông tin mới nhất về việc tìm giải pháp tháo gỡ ách tắc trong việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khẳng định vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc thời gian qua không phải là thủ tục hải quan, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật mà là việc thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã.

Để tháo gỡ vướng mắc, ông Lê Bá Anh cho biết Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã có văn bản gửi Cục Thủy sản đề nghị 2 việc: Chỉ đạo địa phương thống kê các cơ sở nuôi tôm hùm bông đáp ứng yêu cầu của pháp luật Việt Nam và pháp luật của phía Trung Quốc; tiếp tục trao đổi với Cục Ngư nghiệp Trung Quốc để tìm hiểu, làm rõ Danh mục các loài thủy sản nguy cấp cần được bảo vệ và các quy định quản lý có liên quan để hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp thực hiện.

Theo ông Lê Bá Anh, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng đã có văn bản gửi các cơ sở bao gói tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đề nghị thực hiện cung cấp đầy đủ thông tin cơ sở bao gói, cơ sở nuôi cung cấp cho cơ sở bao gói. Các sơ sở nuôi được thống kê phải đáp ứng các quy định của Việt Nam (về nuôi trồng thủy sản) và các quy định của Trung Quốc (về giống, quá trình nuôi).

Ngay sau khi Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận được danh mục các cơ sở bao gói tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đăng ký, sẽ đối chiếu với các hộ nuôi đã được Cục Thủy sản chỉ đạo địa phương thống kê, thẩm định, đối khớp hai danh sách này lại với nhau. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ ngay lập tức gửi đăng ký với phía Trung Quốc đối với những cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm đáp ứng đủ yêu cầu.

Thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ tiếp tục thúc đẩy các biện pháp đang triển khai; duy trì và nắm bắt kịp thời và thường xuyên các nguồn thông tin để báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký kết Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác của Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sự rất cần sự vào cuộc tích cực của các đơn vị liên quan, trong đó có Cục Thủy sản.

Tuy nhiên, ông Lê Bá Anh cũng cho biết thêm việc gỡ khó cho xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc trong ngắn hạn đang khó khăn, do đó cần đồng thời tăng cường xúc tiến tiêu thụ tại thị trường trong nước và các nước khác.

ttxvn-tomhumbong.jpg
Vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc là do việc thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, bắt đầu từ tháng 8/2023, một số doanh nghiệp Việt Nam phản ánh các doanh nghiệp Trung Quốc không thu mua tôm hùm bông. Do đó, trong suốt tháng 9 và 10/2023, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã liên tục liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị được làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa hai bên, phía Trung Quốc cho biết năm 2021,Trung Quốc đã sửa đổi Danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần được bảo vệ, trong đó tôm hùm bông được đưa vào Danh mục loài cần được bảo vệ cấp độ 2 (có hiệu 2 lực từ ngày 1/2/2021). Từ tháng 5/2023, Trung Quốc đã sửa Luật Bảo vệ động vật hoang dã, trong đó quy định cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh các loài trong Danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ, trong đó có tôm hùm bông.

Sau khi Luật Bảo vệ động vật hoang dã có hiệu lực, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ đạo hải quan các cửa khẩu tuân thủ pháp luật đó, trong đó có việc các nhà nhập khẩu phía Trung Quốc phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc) về việc nhập khẩu các loài thủy sản nằm trong danh mục đó. Bản thân các nhà nhập khẩu Trung Quốc nếu không có giấy phép nhập khẩu của chính phía Trung Quốc cấp thì không thu mua phía đầu Việt Nam nữa./.

Từ trước tới nay, Việt Nam vẫn phải đăng ký cơ sở bao gói cua, tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ, các mặt hàng sống vào Trung Quốc để thực thi các quy định về an toàn thực phẩm. Đối với những sản phẩm thủy sản đã chết sẽ đăng ký với Cục An toàn Thực phẩm. Đối với những con còn sống phải đăng ký với Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật.

Hiện nay, Việt Nam có 57 cơ sở được Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật đưa vào danh sách được phép xuất khẩu sống vào thị trường Trung Quốc, trong đó có tôm hùm, cua. Trong số 57 cơ sở này có 46 cơ sở được xuất khẩu tôm hùm sống (gồm tôm hùm xanh và tôm hùm bông) sang Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục