Gỡ khó cho 'luồng xanh' vận tại thủy: Cần sự phối hợp đồng bộ

Hiện nay, các tuyến vận tải thủy đều được coi là “luồng xanh” nên việc quản lý và cho phép hoạt động ghe thuyền nhỏ đi trong kênh rạch, tuyến thủy lợi nội đồng là thuộc về thẩm quyền của địa phương.
Việc quản lý và cho phép các hoạt động ghe thuyền nhỏ đi trong kênh rạch, tuyến thủy lợi nội đồng là thuộc về thẩm quyền của địa phương. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải luôn chủ động xây dựng những kịch bản, giải pháp tổ chức giao thông phù hợp với diễn biến dịch bệnh để đảm bảo lưu thông hàng hóa cũng như quản lý, giám sát việc chấp hành các quy định phòng chống dịch liên quan đến phương tiện và người điều khiển phương tiện.

Tự động hóa phần mềm cấp “luồng xanh”  

Theo thông tin tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải 63 tỉnh, thành phố về công tác vận tải hàng hóa gắn với phòng chống dịch COVID-19 vào ngày 18/8 vừa qua, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết 63 Sở Giao thông Vận tải đã cấp mã QR Code (luồng xanh) cho tổng cộng 383.111 xe.

Tuy nhiên, bà Hiền đánh giá số lượng hồ sơ đăng ký rất lớn; trong đó số lượng hồ sơ sai lệch, thiếu thông tin, không đủ điều kiện cũng rất nhiều, dẫn đến có thời điểm thời gian trả kết quả kéo dài. Hiện nay, nhiều tỉnh trong đó có Hà Nội đã lắp camera tại các chốt kiểm soát dịch để quét mã QR code tự động nên lưu thông rất thuận lợi.

"Tổng cục Đường bộ đang phối hợp với Công ty Viettel để khẩn trương hoàn thiện hệ thống phần mềm cấp “luồng xanh” theo hướng tự động hóa nhằm rút ngắn thời gian cấp; hạn chế sự tham gia của con người. Doanh nghiệp, lái xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin khai báo cũng như việc chấp hành quy định vận chuyển khi được hệ thống cấp QR Code,” bà Hiền cho biết.

Theo bà Hiền, các quy định, hướng dẫn về việc khai báo thông tin cấp QR Code, thông tin về các tuyến vận tải được phép lưu thông đã được công bố công khai trên website của Tổng cục Đường bộ nên đề nghị doanh nghiệp và lái xe chủ động nắm bắt để thực hiện, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi. Tổng cục cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng (gồm tiếp nhận thông tin và hướng dẫn, giải đáp các nội dung liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe ôtô phản ánh theo số: 0886016640; tiếp nhận thông tin và hướng dẫn giải đáp về an toàn giao thông, điều tiết, phân luồng giao thông phản ánh tới số: 0916608085).

[Sớm đồng bộ dữ liệu 'luồng xanh' và xét nghiệm y tế cho các lái xe]

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ việc cấp mã QR Code là để phân loại các phương tiện được ưu tiên lưu thông qua các “luồng xanh” tại chốt kiểm soát cũng như giúp cho các cơ quan quản lý, giám sát việc chấp hành phòng chống dịch của doanh nghiệp và lái xe; phương tiện đã được cấp QR Code được kiểm tra theo phương thức xác suất, tiền kiểm, hậu kiểm.

“Các trường hợp lợi dụng chính sách này để trục lợi hoặc vi phạm để chở người, chở hàng hóa cấm, gây lây nhiễm dịch bệnh là hành vi vi phạm pháp luật, cần được tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, không để dư luận xấu về chính sách của Nhà nước. Việc tổ chức giao thông phải linh hoạt, không được máy móc, cứng nhắc, mọi hoạt động vận tải trong ‘vùng xanh’ phải được tổ chức bình thường, vấn đề là phải kiểm soát tốt tại ranh giới với ‘vùng cam, vùng đỏ’ để tránh dịch xâm nhập,” ông Thọ khẳng định.

Địa phương cần chủ động

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vướng mắc nhất hiện nay đó là việc áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã kịp thời ban hành nhiều giải pháp và nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc để đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa; sự phối hợp của Tổ công tác đặc biệt phía Nam của ngành giao thông là rất tích cực và hiệu quả.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nam cũng chỉ ra khó khăn trong giai đoạn thu hoạch lúa hiện nay, điểm nghẽn nhất do các biện pháp phòng chống dịch triển khai tại cơ sở cấp xã, cấp thôn, ấp… dẫn đến thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thời vụ trên đồng, từ người đi thu mua cho đến người gặt lúa, bốc vác xuống ghe.

“Đặc thù của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đó là phải sử dụng ghe, thuyền gia dụng để vận chuyển lúa từ ruộng, đồng nhưng các loại hình phương tiện này hiện không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác, đặc biệt là khu vực kênh, mương thủy lợi nội đồng,” ông Nam dẫn chứng.

[Bộ GTVT đề nghị tạo thuận lợi đẩy mạnh 'luồng xanh' vận tải thủy]

Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nêu rõ quan điểm tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, vận tải đường thủy là loại hình vận tải hàng hóa có ưu điểm tối ưu và hiệu quả nhất, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh. Vì vậy hiện nay, tất cả các tuyến vận tải thủy đều được coi là “luồng xanh,” tức là hoạt động bình thường và phải tuân theo quy định phòng chống dịch của ngành y tế đối với đội ngũ thuyền viên, tuyệt đối không được lợi dụng để chở người trái phép.

Lúa được chuyển xuống ghe để chở về nhà máy. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Về vướng mắc theo phản ánh của ngành Nông nghiệp, ông Thọ cho rằng việc quản lý và cho phép các hoạt động ghe thuyền nhỏ đi trong kênh rạch, tuyến thủy lợi nội đồng là thuộc về thẩm quyền của địa phương.

Từ đó, ông Thọ yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phải khẩn trương tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh để thống nhất phương án, giải pháp phòng chống dịch phù hợp để tạo điều kiện cho người dân được ra đồng lao động, vận chuyển máy gặt vào địa phương để thu hoạch cũng như cho phép ghe, thuyền dân sinh, thuyền gia dụng được lưu thông vào các tuyến kênh, mương, hệ thống thủy lợi nội đồng để thu gom lúa gạo, kết nối với các tuyến đường thủy không để gián đoạn khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ.

Khẳng định đến nay cả hệ thống đã vào cuộc hiệu quả, trách nhiệm để đảm bảo công tác lưu thông hàng hóa, Thứ trưởng Thọ đề nghị các bộ, ngành tăng cường trao đổi, phối hợp để kịp thời thống nhất giải pháp, giải quyết các phát sinh thực tiễn trong phạm vi chức năng, việc gì vượt thẩm quyền cùng trao đổi, bàn bạc, thống nhất quan điểm, giải pháp để kiến nghị lên cấp cao hơn xem xét, tháo gỡ.

“Các sở, ngành tại địa phương như Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải cũng phải chủ động thông tin, trao đổi về nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa của địa phương để phối hợp tháo gỡ theo đúng chức năng, thẩm quyền và theo các hướng dẫn chung của Chính phủ, Bộ Y tế và ngành giao thông,” ông Thọ lưu ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục