Ngày 23/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) đã tổ chức cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp liên quan đến vụ việc Hãng tàu Hanjin Shipping Global (HJS) của Hàn Quốc đệ đơn xin phá sản.
Tại đây, đại diện nhiều đơn vị giao nhận vận tải, chủ hàng, hoa tiêu, cảng biển đã kiến nghị cơ quan Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác nhận công nợ của HJS, phong tỏa, tạm giữ tài sản của hãng để gây áp lực qua đó giảm nhẹ thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước.
Bà Bùi Thị Liên Thủy, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mai-dịch vụ giao nhận vận tải Hải Bằng, phản ánh khi xảy ra sự vụ HJS, chủ hàng sẽ đứng trước nguy cơ mất hàng, công ty giao nhận sẽ bị phạt hợp đồng. Để xử lý tình huống này, bắt buộc công ty đã phải tiến hành thủ tục rút hàng container mà tàu của HJS chở tại cảng ở Singapore để thuê đơn vị vận tải khác vận chuyển với chi phí lên đến 3.000 USD/container.
Theo ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, hệ lụy sự vụ HJS mang tính toàn cầu do đó rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước là không thể tránh khỏi, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ thiệt hại cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm giải pháp xử lý hàng hóa trong các container ở ngoài lãnh thổ, khuyến khích cảng biển cho HJS đưa tàu biển vào để sớm dỡ hàng xuống cảng.
Mặt khác, các doanh nghiệp vận tải, hiệp hội chủ hàng, đơn vị giao nhận cần chủ động tìm hiểu, thu thập thông tin về tình trạng hàng hóa trên tàu của HJS cũng như các xử lý của các quốc gia đối với HJS để Việt Nam chủ động xử lý, khắc phục tình huống đến mức tối đa.
Ông Nguyễn Đình Việt cho biết trước mắt, Cục hàng hải tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ thành lập Tổ Công tác giải quyết hệ lụy hãng tàu HJS, có như vậy mới đủ thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay có nhiều container không phải là tài sản của HJS mà của các đơn vị khác cho thuê lại; việc bắt giữ, cầm giữ tàu của HJS tại Việt Nam phải có lệnh của tòa án. Trong thời gian đó, các cảng Việt Nam cần cho phép tàu của HJS cập cảng, giải phóng nhanh hàng hóa để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết hiện VASEP vẫn còn hơn 150 container hàng (xuất khẩu đông lạnh, chủ yếu đến Mỹ) do HJS vận chuyển lênh đênh trên biển nhưng không biết tình trạng như thế nào, liệu có được thông quan và dỡ đúng hạn giao cho khách hàng.
Ông Trương Đình Hòe đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp thông tin tình trạng hàng hóa, qua đó giúp doanh nghiệp chủ động xử lý tình huống cũng như tiến hành thương lượng, giảm bớt thiệt hại.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, Hãng tàu Hanjin Shipping Global của Hàn Quốc hiện đang nắm 2,9% thị phần vận tải biển toàn cầu, đứng thứ 7 trên toàn thế giới và là hãng vận tải biển lớn nhất của Hàn Quốc, vận hành 140 tàu chở hàng trên 60 tuyến vận tải biển quốc tế. Mỗi năm hãng này vận chuyển hơn 100 triệu tấn hàng hóa.
Ngày 2/9 vừa qua, Tòa án trung tâm quận Seoul Hàn Quốc đã chấp thuận yêu cầu bảo hộ của HJS, qua đó đưa ra mốc thời gian ngày 25/11/2016 là hạn chót để HJS trình bản kế hoạch phục hồi của mình. Tuy nhiên việc HJS trở lại sẽ rất khó khăn do các khách hàng đã quay lưng và liên minh CKYHE đã khai trừ tư cách thành viên của HJS.
Hiện Hanjin chiếm 5% thị phần vận chuyển hàng hóa của Việt Nam. Các ngành có khối lượng xuất nhập khẩu nhiều như dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng thủy sản, chủ yếu đến khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.
Thống kê của hãng tàu Hanjin Việt Nam, tính đến ngày 6/9, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có 1.516 container nhập khẩu đang ở các bến cảng, 432 container nhập khẩu đang ở kho của khách hàng, 1.323 container xuất khẩu đang ở cảng trung chuyển hoặc ở trên tàu. Hãng tàu HJS hoạt động chuyên tuyến vào khu vực cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 3-5 chuyến/tuần; trong đó cảng Cát Lái chiếm 2-3 chuyến/tuần, cảng Container Quốc tế Việt Nam (VICT) 1 chuyến/1-2 tuần, Tân cảng Hiệp Phước khoảng 1 chuyến/1-2 tuần. Riêng với Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, HJS đang nợ khoảng 50 tỷ đồng.
Hiện nay theo thông báo của HJS, 23 tàu của HJS đang đỗ gần bến cảng của 23 quốc gia trong tình trạng neo đậu tạm thời mà không được tháo dỡ hàng hóa vì các cảng từ chối tiếp nhận tàu cũng như hãng tàu HJS không dám cho tàu cập cảng vì sợ bị bắt giữ. Tại Việt Nam, theo lịch trình tàu Hanjin Chennai của hãng HJS đến cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/9 nhưng hiện đang thả trôi cách bờ biển Bà Rịa-Vũng Tàu, trên tàu chở 833 container nhập khẩu vào Việt Nam.
Về giải pháp xử lý, Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công Thương và Cục Hàng hải Việt Nam-Bộ Giao thông Vận tải đã khuyến cáo doanh nghiệp trong trường hợp đã đặt chỗ với HJS cần nhanh chóng làm thủ tục lấy lại hàng, chuyển sang hãng khác; tiến hành rút ruột, bốc dỡ hàng hóa ra khỏi phương tiện của HJS đang bị cầm giữ.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp phù hợp để giảm tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp khi hãng tàu Hanjin phá sản./.