Gỡ khó cho địa phương khi triển khai chương trình GD phổ thông mới

Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là vấn đề thiếu giáo viên.
Gỡ khó cho địa phương khi triển khai chương trình GD phổ thông mới ảnh 1Giờ học môn Lịch sử của thầy và trò Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, diễn ra ngày 12/8, nhiều địa phương đã kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), đặc biệt là vấn đề thiếu giáo viên.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết một số quy định của Trung ương chưa phù hợp với thực tiễn của Thành phố nên khi triển khai gặp phải những bất cập, khó khăn.

Cụ thể, hiện vẫn chưa có định biên và chế độ, chính sách phù hợp, thu hút đối với giáo viên Ngoại ngữ, Tin học; nhân viên y tế trường học, văn thư, thủ quỹ và kế toán; giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.

Những nhân sự này có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhà trường và trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng yêu cầu phát triển của giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương cũng nêu về tình trạng thiếu giáo viên tiểu học, mầm non trên địa bàn.

[Chọn môn tổ hợp lớp 10: Chưa đo chân đã bắt đóng giày]

Theo thống kê từ tháng 1 đến tháng 4/2022, Bình Dương có 527 giáo viên mầm non, tiểu học nghỉ việc, nguyên nhân là lương thấp. Thiếu giáo viên là một trong những trở ngại để xây dựng trường chuẩn quốc gia của Bình Dương.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đang thiếu trường lớp trong khi số học sinh tăng, nhất là ở khu công nghiệp. Nhiều đơn vị có số học sinh trên lớp cao, nhiều trường phải giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học, nhiều trường phải thực hiện dạy 1 buổi/ngày. Số giáo viên tỉnh Bình Dương vẫn thiếu là trên 3.000 người.

Năm học này triển khai chương trình lớp 10 mới, nhưng hiện nay vẫn còn thiếu giáo viên ở các môn tự chọn như Công nghệ, Tin học, Mỹ thuật...

Hiện nay, tỉnh vẫn đang trong quá trình tuyển dụng viên chức, song song với đó ký hợp đồng lao động với giáo viên, nhân viên chuyên môn để khắc phục tình trạng này.

Năm học 2022-2023, tỉnh Thanh Hóa cũng thiếu 10.276 giáo viên các cấp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành liên quan, giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng.

Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành xem xét việc thực hiện giảm biên chế (mỗi năm 2%) là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là với ngành giáo dục.

Việc mua sắm trang thiết bị phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 còn gặp nhiều khó khăn do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành danh mục thiết bị mà không có khung giá thiết bị. Việc đấu thầu mua sắm cũng gặp khó khăn khi danh mục thiết bị có tính chất đặc thù, hạn chế về số lượng đơn vị sản xuất và cung cấp.

Thống kê năm học 2022-2023, Nghệ An cũng còn thiếu 6.000 giáo viên. Điều này cản trở việc đẩy mạnh chất lượng giáo dục, đặc biệt theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vì vậy, Nghệ An cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng bộ, ngành liên quan tiếp tục ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 88 về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; có chính sách đảm bảo về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chuẩn mới.

Đối với ngành giáo dục Thủ đô, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết Nghị định 120 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể và tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập, quy định mỗi cơ sở giáo dục có không quá 2 cấp phó, đã gây khó khăn với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội ví dụ như trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia, đặc biệt là những trường có 45 lớp học trở lên.

Số trường này chiếm tỷ lệ rất lớn trong các cơ sở giáo dục ở Hà Nội. Do chỉ có tối đa 2 phó hiệu trưởng nên các trường này gặp khó khăn trong hoạt động. Vì vậy, Hà Nội kiến nghị với Chính phủ xem xét lại nội dung này, nên cho phép những trường có 45 lớp trở lên được phép có 3 phó hiệu trưởng.

Bên cạnh đó, cho phép các đơn vị ký hợp đồng lao động trong lúc chờ tuyển biên chế với nhân viên làm công tác chuyên môn như cán bộ y tế, thư viện trường học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục