Trong suốt 40 năm đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng song hành với mục tiêu phát triển kinh tế. Hai nhiệm vụ này không được làm lệch và không vì đẩy mạnh cái này mà cản trở cái kia với phương châm “phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt.”
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là minh chứng rõ rệt cho chủ trương đúng đắn này. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vận động mạnh mẽ, cần những bước chuyển mình tích cực của thể chế để phát huy tối đa các nguồn lực, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Những con số thuyết phục
Nói về nạn tham nhũng, nhiều người vẫn tìm cách biện minh, coi đây là một dạng “dầu bôi trơn” để bộ máy công hoạt động trơn tru hơn, cơ chế kinh tế-tài chính trở nên “uyển chuyển” hơn, các doanh nghiệp “dễ thở” hơn, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Những người này cũng cho rằng việc quyết liệt chống tham nhũng sẽ làm thui chột hoạt động của nhiều doanh nghiệp, gây khó khăn trong phát triển kinh tế.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Như Phát (nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Luật phòng, chống tham nhũng và các chính sách pháp luật cũng như luật thực định không có bất cứ một điều khoản nào quy định về việc phòng, chống tham nhũng lại gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Về lý thuyết, việc chống tham nhũng không thể làm ách tắc kinh tế mà còn góp phần tháo gỡ những tác động tiêu cực của hành vi tham nhũng lên thị trường trong ngắn hạn và dài hạn.
Việc “bôi trơn” không tạo ra điểm tối ưu, thực chất là hành vi tham nhũng trá hình. Thực tế, thống kê cho thấy việc quyết liệt chống tham nhũng tác động xấu tới sự phát triển kinh tế đất nước mà còn làm minh bạch thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn chân chính phát triển.
Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, nền kinh tế Việt Nam có những bước tiến tích cực nổi bật. Năm 2021, GDP nước ta đạt mức tăng trưởng 2,58%. Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi tích cực, GDP tăng ở mức 8,02% (mức cao nhất trong 10 năm qua).
Năm 2023, GDP năm 2023 đạt mức tăng 5,05%. Con số mới nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, tình hình kinh tế-xã hội từ đầu năm đến nay đã có sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước.
Tăng trưởng kinh tế quý 2 đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, cao hơn kịch bản cao nhất của Chính phủ là 6% và dự báo của các tổ chức quốc tế.
Ngân hàng UOB đưa ra dự báo tăng trưởng Việt Nam quý 2 là 6%, BIDV dự báo là 5,9-6,3%, Standard Chartered dự báo là 5,3%. Sau kết quả 6 tháng, ngân hàng HSBC nhận định Việt Nam sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm.
Khơi thông điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực
Công cuộc phòng, chống tham nhũng quyết liệt khiến không ít ý kiến băn khoăn về việc dễ nảy sinh tâm lý e dè, sợ mắc sai phạm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức khi làm việc nên tìm cách trì hoãn, né tránh.
Những cán bộ này không dám linh hoạt, chủ động giải quyết vấn đề của doanh nghiệp và người dân, phải xin ý kiến lòng vòng các cơ quan, đưa đẩy các cấp, không bên nào chịu trách nhiệm trả lời… làm trì trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, chậm tiến trình phát triển xã hội.
Đây cũng là thực tế được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, khi thời gian qua xuất hiện một bộ phận cán bộ, công chức vì sợ trách nhiệm mà né tránh, đùn đẩy, không xử lý, chậm xử lý, thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm, nhũng nhiễu, gây phiền hà…
Một số bộ, ngành, địa phương, trong một số trường hợp chưa thực sự quyết liệt, chủ động bảo đảm chất lượng, tiến độ công việc được giao; chưa đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.
Tổng Bí thư đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như vậy với tinh thần quán triệt “quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa” bằng việc hoàn thiện thể chế, pháp luật với tinh thần cải cách, đồng hành cùng doanh nghiệp, khơi thông điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực… nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 và cả nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Đồng thời, khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…
Qua đó, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, các cán bộ thực hiện “đúng vai thuộc bài,” đúng chức trách nhiệm vụ được giao.
Đồng tình với quan điểm chỉ đạo trên, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Như Phát cho rằng việc các cán bộ sợ sai không dám làm có thể do những cán bộ này chưa nắm vững quy định pháp luật, kiến thức chuyên môn, thậm chí có thể manh nha có ý định vi phạm pháp luật mới “chùn tay,” tìm cách ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm.
“Nếu anh cứ làm đúng chức trách, đúng nhiệm vụ thì có gì mà phải sợ, phải ngại,” nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh.
Xét ở một góc độ khác, xã hội phát triển làm nảy sinh nhiều vấn đề mới mà Quốc hội hay bất cứ cơ quan quản lý nào cũng không thể dự liệu được hết.
Điều này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần mạnh dạn đề xuất, xây dựng chính sách để điều chỉnh các yếu tố mới nổi và chấp nhận phải điều chỉnh dần.
Chính sự nhanh chóng ban hành các quy định cho các vấn đề mới nổi cũng là vừa bảo đảm mục tiêu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Tìm lại điểm tối ưu
Trên thực tế, hành vi tham nhũng giúp “bôi trơn” một số quan hệ kinh tế, tạo nên ưu thế nhất định của một số giao dịch trên thị trường. Khi quyết liệt phòng, chống tham nhũng sẽ phá vỡ những mối quan hệ này, làm mất đi ưu thế nhất thời đó thì thị trường và nền kinh tế sẽ phải đi tìm lại những điểm tối ưu khác.
Trong dài hạn, điểm tối ưu mới bao giờ cũng tốt hơn ưu thế có yếu tố tham nhũng. Điểm tối ưu ở đây chính là phân bổ nguồn lực.
Khi thực hiện phòng, chống tham nhũng, việc phân bổ nguồn lực phải được minh bạch, phải có trách nhiệm giải trình, tăng cường sự thông thoáng và mở cửa cho các đối tượng tham gia thị trường như doanh nghiệp khởi sự mới hoặc doanh nghiệp mới tham gia vào một thị trường hoặc một thị phần nào đó trước đây do tham nhũng mà bị bao sân hoặc bị o bế bởi các doanh nghiệp “sâu sau,” giờ mở cửa cho tất cả doanh nghiệp.
Về trung hạn và dài hạn, phân bổ nguồn lực tạo ra một điểm cân bằng mới cho các giao dịch trên thị trường theo hướng tối ưu và hiệu quả hơn. Lúc này, thị trường sẽ được tăng cường tính cạnh tranh, tăng cường thông tin và trở nên minh bạch hơn hơn khi có yếu tố can thiệp của tham nhũng.
Thực tiễn song hành nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng và phát triển kinh tế đòi hỏi cả guồng máy Nhà nước cùng vận hành thông suốt, thống nhất với quyết tâm cao.
Qua đó, tập trung tối đa vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế dài hạn trong bối cảnh đất nước đang đứng trước vận hội mới, cần “tăng tốc” để bứt phá như lời Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới"./.
Bài 1: Phá “điểm mù” do “công bộc” tạo ra
Bài 2: Bẻ gãy" các mối quan hệ thân hữu
Bài 3: Ngăn chặn trục lợi từ “thị trường méo mó”