Gỡ "điểm nghẽn" tạo bứt phá cho chính quyền đô thị kiểu mới TP.Thủ Đức

Theo các chuyên gia, thể chế, cơ chế đặc thù, cơ sở hạ tầng đô thị và nhân lực là những vấn đề lớn cần giải quyết để Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, động lực tăng trưởng của TP.HCM.
Thành phố Thủ Đức. (Nguồn: Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức)

Ngày 16/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Trường Đại học Tài chính-Marketing tổ chức Hội thảo khoa học Giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” nhằm tạo sự “bứt phá” phát triển kinh tế-xã hội đối với chính quyền đô thị mới thành phố Thủ Đức.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng thực tế, có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho thành phố Thủ Đức liên quan đến các vấn đề gắn với hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, quản trị hành chính công vụ và nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là nguồn nhân lực công vụ trong khối cơ quan nhà nước.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, thành phố Thủ Đức gặp nhiều vấn đề trong thực tế vận hành hoạt động. Trong đó, có thể tập hợp thành ba nhóm vấn đề lớn là thể chế, cơ chế đặc thù, cơ sở hạ tầng đô thị và nhân lực.

Kỳ vọng Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, thành phố kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, động lực tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực, trở thành mô hình chính quyền hiệu quả, là kiểu mẫu áp dụng cho đô thị khác sẽ khó đạt được nếu như không giải tỏa vấn đề “tắc nghẽn” nêu trên.

Chia sẻ về vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị thành phố Thủ Đức, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần đổi mới tư duy và thống nhất trong nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố Thủ Đức.

Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin từ cấp phường đến thành phố Thủ Đức, đây là đội ngũ có vai trò quan trọng trong xây dựng chính quyền số...

[Thực hiện chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn]

Để chuẩn bị nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng và chất lượng khi thành phố Thủ Đức vận hành chính quyền số, thành phố cần quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số, xã hội số đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm được phân công.

Cùng với đó, từng bước chuẩn hóa chương trình, nội dung gắn với nhu cầu thực tiễn, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới - Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Văn Y nhấn mạnh.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Đi sâu vấn đề nguồn nhân lực số cho sự phát triển bền vững của thành phố Thủ Đức, theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, cần xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy hoạt động hướng đến việc đầu tư các nguồn nhân lực số hỗ trợ thành phố trong khâu quản lý hành chính phù hợp.

Mặt khác, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thiết thực, thực chất hơn nữa các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ để giảm thiểu lao động thông qua tăng năng suất lao động và hỗ trợ cơ quan công vụ thực hiện tốt công việc.

Đối với khối doanh nghiệp, cần ứng dụng công nghệ sản xuất quy mô, tự động gắn với số hóa nhân lực, giảm thiểu lao động giản đơn và nâng cao năng suất. Từ đó, chủ động hoạt động sản xuất và kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính...

“Nguồn nhân lực số cần được Chính phủ cũng như Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức đặc biệt quan tâm để có lộ trình thúc đẩy, dẫn dắt, tạo đà quan trọng cho sự chuyển đổi mạnh mẽ và phát triển cho thành phố, người dân, doanh nghiệp,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng nhấn mạnh.

Gợi mở một số đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức theo mô hình đô thị kiểu mới, Tiến sỹ Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh lợi thế sẵn có, thành phố Thủ Đức cần khai thác tốt lợi thế trong vùng Đông Nam Bộ khi có vị trí tiếp giáp với các thành phố quan trọng như Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An (Bình Dương), thành phố Biên Hòa, hai huyện Nhơn Trạch, Long Thành (đang xây dựng sân bay mới Long Thành) của tỉnh Đồng Nai... Do vậy, nếu liên kết tốt với các tỉnh, thành phố này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa và tận dụng lợi thế về công nghệ, công nghiệp.

Theo Tiến sỹ Dư Phước Tân, bên cạnh tận dụng cơ chế, chính sách do Trung ương đã phân cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh, cần thiết kế khai thác các nguyên lý “lợi thế kinh tế dựa vào quy mô,” tương ứng đề xuất cơ chế, chính sách phân cấp, ủy quyền để vận hành trong quản lý cho thành phố Thủ Đức.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đều nhấn mạnh sự ra đời của thành phố Thủ Đức đã thể hiện nỗ lực và ý chí, bản lĩnh, sự sáng tạo của thành phố năng động, luôn tiên phong trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội; thể hiện bản lĩnh gắn với khát vọng sáng tạo, năng động của thành phố lớn nhất của Việt Nam.

Sự ra đời này mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng mở ra cơ hội, thời cơ tốt, thúc đẩy sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Nam Bộ và cả nước nói chung nếu như "điểm nghẽn" được tháo gỡ kịp thời, tạo động lực bứt phá trong phát triển của thành phố Thủ Đức thời gian tới./.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục