Gỗ, dệt may: Những ngành hàng tỷ USD giữ vị thế tại thị trường Hoa Kỳ

Năm 2022, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD, đạt hơn 123 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó nhiều ngành hàng đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Năm 2022, thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ chính thức vượt 100 tỷ USD. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Kể từ khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) được ký kết vào năm 2000, thương mại đã trở thành một trụ cột của mối quan hệ song phương ngày càng phát triển của hai nước.

Đặc biệt, những ngành hàng xuất khẩu nằm trong tốp đầu của Việt Nam như: dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ... đều giữ vị thế cao tại thị trường Hoa Kỳ.

Thị trường đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD

Theo đại diện Bộ Công Thương, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng trong thời gian qua. Giai đoạn 2020-2021, mặc dù đại dịch COVID-19 và xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt, nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.

Nhìn lại một số mốc cụ thể cho thấy, trước 1995, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ không đáng kể. Tuy vậy, từ năm 1995, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, xuất khẩu sang Mỹ đã đạt mức khá, tăng nhanh, liên tục qua các năm và chuyển sang vị thế xuất siêu.

Năm 2001, sau khi Hiệp định thương mại song phương được ký kết, lần đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ vượt qua mốc 1 tỷ USD. Năm 2008, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ lần đầu tiên vượt qua mốc 11 tỷ USD và xuất siêu ở mức khá cao.

Đặc biệt, năm 2022, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD, đạt hơn 123 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.

[Mỹ khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam]

Là một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các sản phẩm trong gia đình như: thớt, bàn ghế, giường, tủ, đồ chơi bằng gỗ sang Hoa Kỳ nhiều năm qua, theo bà Lê Hải Liễu (Công ty Gỗ Đức Thành), mặc dù tiêu thụ các sản phẩm gỗ những tháng đầu năm tại thị trường này giảm sút do chi tiêu của người tiêu dùng thắt chặt bởi lạm phát song Hoa Kỳ vẫn là thị trường chủ lực của Công ty và doanh nghiệp vẫn tự tin vào các đơn hàng thời gian tới.

“Gần đây Đức Thành đã có nhiều khách hàng từ Hoa Kỳ đặt hàng, hỏi hàng, công bố số lượng dự định trong tương lai. Mặc dù chưa trở lại như thời kỳ trước, nhưng doanh nghiệp rất lạc quan khi kinh doanh tại thị trường này, bởi khi hồi phục trở lại thì nhu cầu tiêu dùng rất lớn,” bà Lê Hải Liễu cho hay.

Đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, Hoa Kỳ là thị trường rất lớn của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam, thường kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm từ 50-55% tổng giá trị xuất khẩu của ngành.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thông tin thêm, năm 2022, dù vừa vượt qua đại dịch COVID-19, song xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ vẫn đạt 8,3 tỷ USD, trong khi năm 2021, xuất khẩu mặt hàng này đạt gần 9 tỷ USD.

Những tháng đầu năm 2023, dù kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, song chuyên gia này cho rằng, hiện đã có tín hiệu cho thấy sự lạc quan ở thị trường Hoa Kỳ khi xuất khẩu những tháng gần đây chuyển động tích cực.

“Thời gian tới, khi thị trường ấm dần lên, xuất khẩu sang thị trường này sẽ duy trì được, hoặc ít nhất sẽ không giảm sâu. Bởi lẽ ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đã khẳng định vị thế trên thị trường Hoa Kỳ và hơn nữa, tại thị trường Hoa Kỳ rất khó để tìm được nhà cung ứng khả dĩ thay thế Việt Nam với chất lượng, giá cả, khả năng giao hàng như vậy,” ông nói.

Năm 2022, thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ vượt mốc 100 tỷ USD. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tương tự ngành gỗ, thị trường Hoa Kỳ luôn chiếm hơn 40% tỷ trọng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, khi bắt đầu Việt Nam-Hoa Kỳ ký Hiệp định thương mại song phương (BTA), năm 2001, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ mới chỉ đạt 50 triệu USD, nhưng đến năm 2013 đã tăng nhanh lên con số 8,6 tỷ USD và nâng lên 17,8 tỷ USD vào năm 2022.

“Ngành dệt may Việt Nam từ con số rất khiêm tốn, hiện đã trở thành ngành xuất khẩu đứng thứ 2 tại thị trường Hoa Kỳ,” ông Trương Văn Cẩm cho hay.

Đẩy mạnh các cơ hội hợp tác với khách hàng

Tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ là đặc điểm quan trọng giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ theo hướng hài hòa và bền vững, đảm bảo các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương, từ đó đưa Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Hoa Kỳ hiện là một trong số các đối tác thương mại hàng đầu, đồng thời, là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu thế giới của Việt Nam. Để đạt được thành tựu như trên là nhờ sự chủ động, tầm nhìn chiến lược của Chính phủ hai nước và sự phối hợp tích cực, triển khai có hiệu quả của các cơ quan hữu quan Việt Nam và Hoa Kỳ.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong năm 2023, mặc dù kinh tế còn khó khăn song hoàn toàn có thể kỳ vọng kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước tiếp tục vượt mốc 100 tỷ USD. Tuy vậy, Thương vụ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm bạn hàng, duy trì các mối khách cũ, tận dụng mọi cơ hội để khôi phục xuất khẩu sang thị trường quan trọng bậc nhất này.

Nhiều doanh nghiệp đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nhờ đẩy mạnh các giải pháp công nghệ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết năm 2023, Vụ sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường thông qua đa dạng hóa hoạt động phục vụ doanh nghiệp; chỉ đạo và phối hợp tốt với hệ thống Thương vụ khu vực Âu-Mỹ tiếp tục triển khai hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp tại thị trường sở tại và kiêm nhiệm.

Bên cạnh đó, Vụ cũng tiếp tục tập trung kết nối, duy trì nguồn cung về nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước và kết nối đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lõi, nghiên cứu thêm các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực đầu tư, phát triển ra thị trường nước ngoài để từ đó có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước trong khu vực Âu-Mỹ, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục