Vừa qua, Liên minh Sáng tạo và Giải trí (Alliance for Creativity and Entertainment - ACE) trực thuộc Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) đã có buổi làm việc với Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng một số doanh nghiệp K+, FPT, BHD... để tăng cường phối hợp, xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền điện ảnh tại Việt Nam.
Một trong những phương pháp được ACE chia sẻ nhằm giúp Việt Nam chống lại tình trạng vi phạm bản quyền trong điện ảnh cũ như cách thức xử lý những trang web phim lậu là "Gõ cửa và Nói chuyện" (Knock and Talk).
Theo ACE,"Gõ cửa và Nói chuyện" là một hình thức ''thỏa hiệp" giữa chủ thể của bản quyền và những người vận hành web vi phạm.
Theo đó, ACE phối hợp các đơn vị điều tra để truy tìm tung tích những người vi phạm và cử đại diện đến làm việc với người này yêu cầu họ giao lại quyền quản lý trang web. Nếu thỏa thuận thành công, trang này sẽ hiện thông báo là đã bị đánh sập vì vi phạm bản quyền, đồng thời chuyển hướng người truy cập sang những nội dung hoặc nền tảng hợp pháp.
[Loại bỏ tâm lý dùng 'chùa,' xâm phạm bản quyền của thế hệ trẻ]
"Từ khi thành lập (2017), được sự ủy quyền của hàng loạt “ông lớn” trong ngành điện ảnh, truyền hình, thể thao, giải trí... trên khắp thế giới, ACE đã gỡ bỏ thành công hàng ngàn trang web vi phạm bản quyền," Jan Van Voorn - Phó Chủ tịch Điều hành, Giám đốc Bảo vệ Nội dung Toàn cầu của MPA, Chủ tịch ACE cho biết.
"Đến nay, tỷ lệ thành công của "Gõ cửa và Nói chuyện" là 95%," ông Jan Van Voorn chia sẻ. Đồng thời, Chủ tịch ACE giải thích thêm:"Gõ cửa và Nói chuyện" là bước đầu tiên nhằm xem xét khả năng đóng cửa một web lậu. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận không thành công, vụ việc sẽ được xem xét khởi tố và đẩy lên mức xử lý nghiêm trọng hơn. Có 5% các vụ việc mà chúng tôi xử lý rơi vào trường hợp này và phải nâng lên mức độ hình sự.
Theo đại diện của ACE, cuộc chiến chống lại tình trạng vi phạm bản quyền đòi hỏi phải có sự phối hợp nhiều bên, bao gồm cả các cơ quan chức năng, chính quyền, các doanh nghiệp. "Tất cả phải cùng được thực hiện cùng lúc, song song thì mới hiệu quả," ông Jan Van Voorn nói.
Chúng tôi đã làm việc với các bên trung gian trên khắp thế giới, gồm nhà cung cấp đăng ký dịch vụ lưu trữ như Google, Meta (Facebook, Instagram, WhatsApp)...; Các nhà cung cấp dịch vụ mạng; Các bên cung cấp tên miền; Các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến như Visa, PayPal, MasterCard...; Các nền tảng tìm kiếm như Google, Bing... để cùng phối hợp ngăn chặn những công cụ tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền.
Trong những năm gần đây, các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook, Tiktok...đã tham gia mạnh mẽ vào việc sáng tạo nội dung như một hướng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao, vì thế họ không thể đứng ngoài việc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền. Do vậy, việc hợp tác đã trở nên thuận lợi hơn, Chủ tịch ACE phân tích. “Tuy vậy, vẫn còn những nền tảng như Twitter, Tiktok, Telegram...tỏ ra rất chậm trễ trong việc gỡ nội dung vi phạm. Thời gian chờ đợi họ thực hiện việc này có khi lên tới 2 ngày hoặc lâu hơn. Họ có thể và cần làm nhiều hơn thế," ông Voorn nói.
[Hợp tác quốc tế để không làm 'rơi' hàng triệu USD do vi phạm bản quyền]
Tại cuộc làm việc với phía Việt Nam, ACE đã chỉ ra nhiều trang web vi phạm lớn, nơi đặt máy chủ (server) không xác định, do người Việt Nam vận hành như USTVGO (ustvgo.net), Zoro (zoro.to)...
Chẳng hạn với Zoro.to, đây là trang xem phim hoạt hình (anime) miễn phí, thường xuyên đạt trên 200 triệu lượt truy cập mỗi tháng từ Mỹ, Ấn Độ, Anh Quốc...
Số liệu của Similar Web cho biết trước khi bị hạ, Zoro.to thường xuyên nằm trong "top 10" web được truy cập nhiều nhất tại Mỹ, xếp ngang hàng những trang chiếu phim, video trực tuyến lớn như Disney Plus, HBO Go, trong đó Youtube và Netflix cao thứ nhất, nhì.
Theo ACE, hiện họ đã tìm được người đứng sau và vận hành Zoro, tuy nhiên việc đàm phán chưa thành công. Vì vậy, việc phối hợp với cơ quan hành pháp tại Việt Nam vừa "nhằm phối hợp hợp tác" nhưng cũng đồng thời tạo sức ép lên chủ trang web lậu này.
Trước đó vào tháng Hai, ACE đã triệt hạ thành công USTVGO-trang web có ;lượt truy cập mỗi tháng trên 16 triệu với 75% trong đó là từ Mỹ.USTVGO cung cấp truy cập trái phép vào hơn 100 kênh, trong đó có nhiều kênh thể thao thuộc các thành viên của ACE.
Thị trường Việt Nam là một trong những điểm cộm cán của khu vực châu Á về vi phạm bản quyền với sự tồn tại dai dẳng của nhiều cái tên như Phimmoi, 123movies, Putlocker... tương tự với Ấn Độ, Indonesia…
Theo báo cáo của Media Partners Asia năm 2022, ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam được dự báo sẽ tạo ra doanh thu 249 triệu USD vào năm 2022, trong đó doanh thu từ lượng thuê bao chiếm 15% và video theo yêu cầu (AVOD) chiếm 85%.
Tính đến 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD./
Liên minh Sáng tạo và Giải trí (Alliance for Creativity and Entertainment - ACE) được tổng cộng 54 hãng khác ủy quyền từ khắp các châu lục, trong đó có nhiều hãng sản xuất phim, chương trình giải trí, tin tức thời sự như Netflix, Amazon, Warner Bros. Discovery, Apple TV+, HBO, Sony Pictures, BBC Studios... Với thể thao, một lĩnh vực cũng thường xuyên đối mặt vi phạm bản quyền, ACE cũng có được sự ủy quyền từ Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ NBA, Giải Bóng bầu dục Vô địch Quốc gia Mỹ NFL, Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia Tây Ban Nha La Liga, Giải ngoại hạng Anh Premier League... |