GMS6-CLV10: Ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy phát triển nông nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh phát triển nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong khu vực tiểu vùng sông Mekong.
GMS6-CLV10: Ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy phát triển nông nghiệp ảnh 1Các đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề: “Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS”. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 30/3, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh GMS, phiên thảo luận chuyên đề: "Doanh nghiệp và công nghệ nông nghiệp" đã được tổ chức tại Hà Nội.

Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện của Hội nghị Thượng đỉnh GMS 6.

Phát biểu mở đầu Phiên thảo luận chuyên đề: "Doanh nghiệp và công nghệ nông nghiệp," Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh phát triển nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong khu vực tiểu vùng sông Mekong, trong đó một trong những giải pháp mấu chốt để phát triển là ứng dụng công nghệ cao.

Với lợi thế về điều kiện khí hậu và tự nhiên, ngành nông nghiệp của các nước trong khu vực GMS đã đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu của mỗi quốc gia.

Nhờ vào quá trình hợp tác GMS, tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong GMS còn được mở rộng nhờ là cửa ngõ giao thương của thế giới.

Trong thời gian tới, nông nghiệp sẽ tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng, là "bệ đỡ" cho các ngành kinh tế khác và có nhiều tiềm năng mở rộng do dư địa về thị trường vẫn còn rất rộng lớn.

Tuy nhiên, nông nghiệp trong khu vực GMS vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như: hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự mở rộng trong các lĩnh vực đầu tư, xử lý tranh chấp thương mại còn nhiều khó khăn, thị trường giảm tiêu thụ trực tiếp sản phẩm thô, chuyển sang ưa chuộng tiêu thụ các sản phẩm chế biến tinh, giá cả các mặt hàng nông sản biến động trên thị trường thế giới, nguồn tài nguyên đất đai ngày càng bị thu hẹp…

Bên cạnh đó, mức sống ngày càng được nâng cao khiến người tiêu dùng đòi hỏi những mặt hàng thực phẩm, nông sản thiết yếu trong đời sống hàng ngày cần đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc triển khai những ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự cạnh tranh; đồng thời xây dựng chuỗi liên kết giá trị để xử lý rủi ro.

Các nước GMS cần tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên. Từ đó, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ như giải mã hệ gen, áp dụng công nghệ viễn thám giúp cho quá trình sản xuất nông nghiệp đưa ra được những sản phẩm với giá thành rẻ và chất lượng đồng đều hơn.

Tại Phiên thảo luận, bàn về tính cần thiết của công nghệ trong phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định để tăng năng suất, sản lượng của các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới, cần ứng dụng nhanh chóng các tiến bộ khoa học vào sản xuất.

[Thách thức và cơ hội đối với các quốc gia tiểu vùng Mekong]

So với các ngành như dược phẩm hay chế tạo ôtô, nông nghiệp đang đi sau trong việc ứng dụng khoa học công nghệ. Vì vậy, các quốc gia GMS cần có cách tiếp cận linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng về lương thực, thay đổi liên kết chuỗi giá trị, tạo chuỗi sản xuất thực sự hiệu quả.

Ngoài ra cần khích lệ khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình ứng dụng và phát triển.

Ông San Vanty, Thứ trưởng Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia đóng góp ý kiến cần có thêm nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện sự cam kết của chính phủ với doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ.

Việc tăng cường chuỗi liên kết giá trị cần sự hiểu biết thấu đáo về định vị vị trí của ngành nông nghiệp GMS trong thị trường khu vực cũng như quốc tế. Do đó, để nâng cao tính cạnh tranh và rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên số 4.0, cần tiếp cận công nghệ theo hướng tổng thể, không biên giới.

Các nước trong khu vực GMS cần tận dụng lợi thế sẵn có để tập trung sản xuất những mặt hàng nông sản đa dạng hơn, song vẫn đảm bảo tốt cho sức khỏe và không gây hại với môi trường. Đây chính là xu thế phát triển bền vững.

Song song với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cần đảm bảo lợi ích của các bên liên quan, thiết lập hệ thống bao trùm tại mỗi quốc gia với những chính sách mạnh mẽ nhằm tăng cường chuỗi liên kết giá trị và cung ứng.

Đây là quan điểm của Tổng Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Anut Visetrojana. Theo ông Anut Visetrojana, để đạt được những tiêu chuẩn này, các nước GMS cần xây dựng cơ chế thường xuyên giám sát tiêu chuẩn tại các nông trại và cơ sở chế biến; tuân thủ đầy đủ và chặt chẽ các khâu ở quá trình chế biến; tăng cường tỷ lệ số hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp; khuyến khích nông dân tự thiết lập hệ thống chợ điện tử…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục