Theo Global Times, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có khả năng sẽ thăm Moskva vào ngày 21/1/2019 để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, mở ra cuộc thảo luận mới về vấn đề tranh chấp chủ quyền kéo dài giữa hai nước.
Tranh chấp chủ quyền quần đảo Kuril (Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, gồm các đảo Iturup, Kunashir, Shikotan, Habomai) đã làm căng thẳng mối quan hệ Nhật Bản-Nga kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Ngày 12/9, tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông được tổ chức ở Vladivostok (Nga), Tổng thống Putin đã đề nghị Thủ tướng Abe ký kết hiệp ước hòa bình vô điều kiện vào cuối năm 2018 để chính thức chấm dứt tình trạng thù địch từ Thế chiến thứ hai.
Nhà lãnh đạo Nga thừa nhận các cuộc hội đàm với Nhật Bản về chuyển giao các đảo Shikotan và Habomai đã diễn ra nhưng phủ nhận các cuộc hội đàm về chủ quyền.
Trong khi đó, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov khẳng định Tuyên bố 1956 không ám chỉ việc tự động chuyển giao lãnh thổ của Nga cho Nhật Bản. Phía Nga thực tế phủ nhận khả năng chuyển giao chủ quyền và "tự động chuyển giao" còn Nhật Bản yêu cầu "tự động chuyển giao" trên cơ sở Tuyên bố 1956. Như vậy, rõ ràng có một khoảng cách lớn giữa lập trường hai nước.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng bước đi đầu tiên không thể thiếu đối với Nhật Bản là chấp nhận tính hợp pháp về quyền kiểm soát của Nga đối với bốn đảo tranh chấp.
[Nhật Bản và Nga xúc tiến đẩy nhanh đàm phán hiệp ước hòa bình]
Quan điểm giữa ông Putin và Lavrov có phần mâu thuẫn. Nếu Tokyo công nhận quyền kiểm soát của Moskva thì rõ ràng không thể tuyên bố chủ quyền của bất kỳ đảo nào trong bốn đảo. Không có những dấu hiệu cho thấy những sự chia rẽ đang tồn tại trong chính quyền Putin về quần đảo Kuril. Đây có lẽ là một phần trong chiến lược của Moskva.
Những tuyên bố mâu thuẫn này có thể gây hiểu lầm và khiến cho mong muốn đòi lại bốn đảo của Tokyo không thành công. Một mặt, những nỗ lực của Nga cho thấy sự tôn trọng tuyên bố lịch sử và chuyển giao Shikotan và Habomai cho Nhật Bản. Mặt khác, nước này vẫn giữ lại chủ quyền lãnh thổ, trong khi tìm kiếm một thời điểm tốt và cách chuyển giao. Nói cách khác, Moskva chỉ muốn có một thỏa thuận với các điều kiện có lợi cho Nga.
Ngoài ra, việc Nga chắc chắn sẽ ngăn ý định của Nhật Bản đối với Iturup và Kunashir, hai hòn đảo lớn hơn tại chuỗi Kuril, đó là để Tokyo phải thừa nhận chủ quyền của Moskva.
Tuy nhiên, Nhật Bản có thể không yêu cầu sự chuyển giao ngắn hạn hai hòn đảo lớn hơn này, nhưng sẽ khó từ bỏ quyền của nước này trong dài hạn. Hơn nữa, Nga còn thường hoài nghi sự độc lập của Nhật Bản và muốn đảm bảo rằng binh sỹ Mỹ sẽ không được triển khai trên những hòn đảo này sau khi Nga trao trả.
Tranh chấp lãnh thổ đang là vấn đề trọng tâm trong xung đột Nga-Nhật Bản. Đây cũng là vấn đề phức tạp đang chờ được giải quyết./.