Ngày 18/8, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với lãnh đạo một số tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có buổi tiếp và làm việc với ông Severin Peters, chuyên gia tổ chức GIZ (Đức) về dự án Đề xuất các giải pháp tăng khả năng chống chịu của đô thị ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do GIZ và Siemens cùng hợp tác thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết Đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng ngập lụt, bão, giông, lốc xảy ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, các tỉnh thành trong khu vực hiện nay đang rất cần nguồn vốn để thực hiện các dự án, triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ rất hoan nghênh việc tổ chức GIZ và Siemens có ý định triển khai dự án Đề xuất các giải pháp tăng khả năng chống chịu của đô thị cho các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, thành phố đang bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như ngập lụt ngày càng tăng về tính chất và quy mô. Triều cường, sạt lở bờ sông tiếp tục diễn biến phức tạp ở mức độ cao hơn, giông lốc, diễn biến phức tạp của môi trường xảy ra ngày càng nhiều hơn, thường xuyên hơn...
Cần Thơ đã có kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020, đồng thời cũng đã có nhiều tổ chức đến Cần Thơ để khảo sát và đưa ra các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn và phức tạp nên rất cần sự tính toán, nghiên cứu sâu sắc và đặc biệt là sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư. Cần Thơ sẵn sàng hợp tác với các tổ chức, các nhà tài trợ nước ngoài để triển khai các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế các thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Severin Peters cho biết trước mắt, một trong các thành phố của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Cà Mau và Kiên Giang sẽ được chọn để thực hiện dự án, sau đó sẽ nhân rộng cho các địa phương khác. Nội dung của dự án bao gồm đánh giá khả năng chống chịu, triển khai các giải pháp tối ưu và thực hiện lộ trình tăng khả năng chống chịu.
Thời gian thực hiện dự án khoảng từ 6-8 tháng. Nguồn vốn thực hiện được vận động từ các nhà tài trợ tiềm năng của GIZ như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADP), tổ chức Jica (Nhật Bản)...
Theo kế hoạch, sau cuộc tham vấn đầu tiên với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các chuyên gia Đức sẽ có cuộc làm việc cụ thể với lãnh đạo địa phương nơi được chọn thực hiện dự án về kế hoạch và các bước triển khai tiếp theo.
Dự kiến, dự án tăng khả năng chống chịu của đô thị sẽ được triển khai từ cuối năm 2014 và hoàn thành vào giữa năm 2015./.