Tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Algeria do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, ông Hoàng Đức Nhuận - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria, cho hay dù chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế nhưng Algeria đang phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng; trong đó có 50% lương thực, thực phẩm.
Theo ông Hoàng Đức Nhuận, kết thúc quý 1, Việt Nam xuất khẩu 30,95 triệu USD giá trị hàng hóa sang Algeria gồm các mặt hàng càphê, hạt tiêu, thủy sản, kim loại thường, sản phẩm hóa chất… Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Algeria rất đa dạng; trong đó có nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Càphê là một điển hình, Algeria phải nhập khẩu 100% càphê với khoảng 130.000 tấn, trị giá 30 triệu USD để phục vụ tiêu dùng trong nước. Càphê thô là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam chiếm trên 50% thị phần sang Algeria.
Ngoài ra, chè xanh cũng được đánh giá là mặt hàng tiềm năng khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này ngày một tăng, nhất là trong phân khúc người tiêu dùng trẻ tuổi. Bên cạnh chè truyền thống uống cùng với bạc hà, trà túi lọc cũng ngày một được ưa chuộng.
Với mặt hàng gạo, mỗi năm Algeria nhập khẩu khoảng 100.000 tấn, chiếm trên 1% trong cơ cấu tiêu dùng lương thực nước này. Gạo nhập khẩu là loại gạo trắng, hạt dài 5% tấm, gạo đồ và basmati.
Đáng lưu ý, gạo nhập khẩu chủ yếu phục vụ người châu Á sinh sống tại Algeria và là mặt hàng xuất khẩu thường xuyên của Việt Nam sang Algeria.
[Algeria là thị trường tiềm năng cho hàng nông sản, thực phẩm Việt]
Cùng với lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng cũng là những sản phẩm tiềm năng; trong đó mỗi năm Algeria tiêu thụ khoảng 90 triệu đôi giày, sản xuất trong nước chỉ đạt 1 triệu đôi.
Nhập khẩu giày dép của Algeria tới 95% nhu cầu, trị giá 1,13 tỷ USD/năm. Năm 2020 Việt Nam đã xuất khẩu 817.000 USD giá trị giày dép vào Algeria, chủ yếu là hàng made in Việt Nam sản xuất cho các thương hiệu lớn.
Sản phẩm sắt thép, mỗi năm Algeria nhập khẩu 2,5 tỷ USD. Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn duy trì kim ngạch xuất khẩu nhóm này ở mức cao, năm 2020 đạt 12,37 triệu USD, năm 2021 đạt 8,6 triệu USD. Nhu cầu nhập khẩu sắt thép của Algeria được dự báo tăng trưởng cao trong thời gian tới do nước này đang triển khai nhiều dự án nhà ở, đường xá…
Ông Hoàng Đức Nhuận cũng chỉ ra còn có một số mặt hàng Algeria có nhu cầu cao, doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu như sản phẩm hóa chất, nguyên liệu ngành bao bì, gỗ và đồ gỗ, linh kiện, phụ tùng ôtô, đồ gia dụng.
Tuy nhiên, Algeria khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng hợp tác đầu tư sản xuất tại quốc gia này để cải thiện năng lực sản xuất nội địa, đa dạng hóa nền kinh tế tránh phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu lửa. Chẳng hạn như, thuế nhập khẩu hàng hóa, nhất là với hàng không phải nguyên liệu của Algeria cao ngất ngưởng.
Đơn cử, thuế nhập khẩu càphê là 63%, chè xanh và chè đen 53%, gia vị 83%, hạt điều 83%, giày dép 53%, sắt thép 53%. Algeria cũng chưa phải là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, do vậy hàng rào thuế quan vẫn rất cao, mang tính bảo hộ rõ rệt, nhiều mặt hàng phải chịu thế tiêu thụ nội địa 30% và thuế phòng vệ bổ sung với tỷ suất từ 30-200%.
Không những thế, chính sách thu hút đầu tư của Algeria đã thay đổi đáng kể. Tháng 6/2020 Chính phủ nước này đã quyết định bỏ quy định 51/49%, trừ nhập khẩu hàng về bán lại nguyên trạng và kinh doanh sản phẩm chiến lược. Luật Tài chính bổ sung năm 2020 cũng loại bỏ quyền ưu tiên Nhà nước Algeria được mua trong trường hợp đối tác nước ngoài nhượng lại cổ phần.
Mặt khác, Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, doanh nghiệp Việt Nam cần tính đến đầu tư tại các thị trường cửa ngõ khu vực châu Phi để hưởng ưu đãi xuất xứ, sử dụng nhân công, nguyên liệu tại chỗ.
Để khai thác thị trường này, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeri lưu ý doanh nghiệp cần đưa đầy đủ thông tin địa chỉ liên hệ kèm theo catalogue trong thư chào hàng và nên đưa ra mức giá sản phẩm phù hợp bởi thuế nhập khẩu tại Algeria khá cao.
Hơn nữa, bao bì cần đầy đủ thông tin và được ghi bằng tiếng Arab và một ngôn ngữ khác (tiếng Pháp hoặc tiếng Anh); tuân thủ thủ tục xuất nhập khẩu; tìm hiểu thẩm tra đối tác; nên thanh toán theo phương thức L/C không hủy ngang, có xác nhận của ngân hàng uy tín tại châu Âu, châu Mỹ hoặc nhờ thu chứng từ qua ngân hàng; trong đó yêu cầu đặt cọc ít nhất 25% giá trị tiền hàng và không chấp nhận phương thức trả chậm.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần giữ chữ tín với đối tác, tránh bị đưa vào danh sách đen và ảnh hưởng tới cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp phải có phản hồi khi đối tác hỏi và duy trì cung ứng hàng liên tục, ổn định về chất lượng nhằm đảm bảo chữ tín với đối tác./.