Giữa tháng 12, Hà Nội sẽ chạy thử tuyến xe buýt nhanh đầu tiên

Xe có sức chở 90 hành khách và dự kiến tần suất xe chạy 3 phút/chuyến. Tổng chi phí cho dự án trên 53,6 triệu USD, vay của WB và Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.
Giữa tháng 12, Hà Nội sẽ chạy thử tuyến xe buýt nhanh đầu tiên ảnh 1Một điểm nhà chờ xe buýt nhanh BRT đã được bàn giao cho Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Tổng Công ty Vận tải Hà Nội chuẩn bị các điều kiện về nhân sự, thiết bị và triển khai tiếp nhận hạ tầng kỹ thuật tuyến xe buýt nhanh Yên Nghĩa-Kim Mã (BRT) để tổ chức vận hành thử sau ngày 15/12/2016 khi đoàn xe BRT được bàn giao. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tập trung chỉ đạo để hoàn chỉnh phương án tổ chức giao thông, tham khảo, tiếp thu ý kiến hợp lý của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng để lựa chọn giải pháp tối ưu, phù hợp thực tế, đảm bảo xe BRT hoạt động được hiệu quả nhất. 

"Khẩn trương hoàn thành thiết kế, dự toán bổ sung thiết bị trên xe, nhà chờ, hệ thống hạ tầng cáp quang từ gói thầu CP07 vào gói thầu CP08, CP04b, hoàn chỉnh các thủ tục nghiệm thu đoàn xe BRT trong tháng 11/2016 và chuyển xe về Hà Nội trước ngày 15/12/2016... để tổ chức vận hành thử đoàn xe BRT và đưa vào vận hành chính thức và kết thúc dự án trong năm 2016,” ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để đưa tuyến buýt nhanh BRT vào hoạt động, bảo đảm an toàn giao thông, đảm bảo tiện lợi và an toàn cho hành khách.

Tổng Công ty Vận tải Hà Nội chuẩn bị các điều kiện về nhân sự, thiết bị và triển khai tiếp nhận hạ tầng kỹ thuật tuyến BRT để tổ chức vận hành thử sau ngày 15/12/2016 khi đoàn xe BRT được bàn giao. 

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan, cơ quan thông tấn, báo chí để kịp thời đưa tin và phản ánh đầy đủ, chính xác về các nội dung và tiến độ của Dự án để thông tin, truyền thông, tạo sự thống nhất, đồng thuận của dự luận xã hội, giúp cho người dân Thủ đô hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và các lợi ích mà Dự án đem lại trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng của Thủ đô.

Tuyến buýt nhanh BRT bắt đầu từ bến xe Kim Mã (quận Ba Đình) qua phố Giảng Võ-Láng Hạ​-Lê Văn Lương​- Lê Văn Lương kéo dài​-trục phía bắc quận Hà Đông​-Lê Trọng Tấn​-Trần Phú​-Ba La​-bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) có chiều dài 14,7 km, với 21 nhà chờ nằm trên giải phân cách giữa đường.

Xe có sức chở 90 hành khách và dự kiến tần suất xe chạy 3 phút/chuyến. Tổng chi phí cho dự án trên 53,6 triệu USD, vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Theo các nhà quản lý dự án, với tuyến xe buýt nhanh mới, hành khách đi từ Kim Mã đến Yên Nghĩa sẽ chỉ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục