Ngày 12/6, Qatar thông báo nước này đã bắt đầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy qua Oman sau khi các quốc gia vùng Vịnh cắt đứt tất cả các tuyến đường biển dẫn đến quốc gia giàu năng lượng này.
Giới chức cảng Qatar đã công bố một đoạn video cho thấy hình ảnh một chiếc tàu, xuất phát từ một bến cảng của thành phố Sohar (Oman), đã cấp bến cảng Hamad của thủ đô Doha.
Theo nguồn tin này, hàng hóa của Qatar sẽ đi qua Sohar và một cảng khác ở Salalah cũng thuộc Oman. Thông thường, hàng hóa được vận chuyển đến Qatar phải được đưa đến cảng nước sâu Jebel Ali ở Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), sau đó chúng được chất lên các tàu nhỏ hơn để đến Doha.
Tuy nhiên, kể từ ngày 5/6, UAE cùng với Saudi Arabia, Bahrain và Ai Cập đã đồng loạt đóng cửa mọi tuyến đường biển, đường hàng không và đường bộ đến Qatar liên quan đến những căng thẳng ngoại giao trong khu vực. Qatar nhập khẩu tới 90% nhu cầu lương thực. Hiện cửa khẩu đất liền duy nhất của Qatar với Saudi Arabia đã bị đóng, làm tê liệt hoạt động vận chuyển hàng hóa tới quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh này.
[Căng thẳng vùng Vịnh: Iran, Thổ Nhĩ Kỳ chuyển thực phẩm đến Qatar]
Cùng ngày, Saudi Arabia đã phủ nhận thông tin nước này cấm các công dân Qatar đến thánh địa Mecca sau khi quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi tuần trước. Hãng truyền thông địa phương Al Arabiya xác nhận hôm 9/6 vừa qua, 206 người đến từ Qatar đã được phép đi qua biên giới Salwa để có thể thực hiện chuyến hành hương đến thánh địa Mecca.
Trong khi đó, giới chức Saudi Arabia phụ trách giám sát các vấn đề của hai thánh đường ở Mecca và Medina cũng xác nhận đã cung cấp các dịch vụ cho những người hành hương đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Qatar, đồng thời mô tả thông tin về lệnh cấm trên trên truyền thông xã hội là vô căn cứ.
Trước đó một ngày, một số phương tiện truyền thông đưa tin các công dân Qatar bị cấm đến thánh địa Mecca và 2 thánh đường trên, song Saudi Arabia đã bác bỏ điều này. Ngay trong ngày 4 quốc gia Arab, trong đó có Saudi Arabia, cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar, giới chức Saudi Arabia đã tuyên bố vẫn sẽ cung cấp mọi dịch vụ và cơ sở cần thiết cho những người hành hương Qatar hiện đang ở vương quốc này.
Căng thẳng ngoại giao giữa các nước khu vực vùng Vịnh xảy ra từ ngày 5/6, khi các nước Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và một số nước khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với lý do Doha "ủng hộ các nhóm khủng bố và can thiệp vào những vấn đề nội bộ" của các nước trong khu vực, bất chấp việc Qatar bác bỏ. Các biện pháp trừng phạt đã cản trở dòng hàng hóa nhập khẩu vào Qatar, đồng thời khiến nhiều ngân hàng nước ngoài giảm quy mô kinh doanh với nước này./.