Giữa bão lốc bất ổn của các ngân hàng, chứng khoán trụ được bao lâu?

Hy vọng về việc Fed và các ngân hàng trung ương khác có thể sớm tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất đã hỗ trợ thị trường chứng khoán thế giới, tuy nhiên, những “gợn sóng” đang dần xuất hiện trên thị trường.
Giữa bão lốc bất ổn của các ngân hàng, chứng khoán trụ được bao lâu? ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI tăng 7% từ đầu năm đến nay, cho thấy những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng không làm giảm nhu cầu đối với cổ phiếu.

Ngay cả khi tâm lý nhà đầu tư bấp bênh liên quan đến sự sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ và việc ngân hàng UBS tiếp quản Credit Suisse gần đây, những hy vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác có thể sớm tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất mạnh nhất trong nhiều thập niên đã hỗ trợ thị trường chứng khoán.

Tuy vậy, trên thị trường chứng khoán thế giới đang dần xuất hiện những “gợn sóng,” như tín dụng thắt chặt hơn, hoạt động sản xuất chậm lại và sự chao đảo tài chính.

Nhiều khách hàng đã rút tiền gửi từ các ngân hàng khu vực của Mỹ và cú sốc từ việc giới chức Thụy Sĩ xóa sổ lượng trái phiếu trị giá 17 tỷ USD của Credit Suisse đã gây náo loạn một thị trường vốn được coi là trọng điểm cho nguồn vốn ngân hàng châu Âu.

Điều này làm suy yếu khả năng cho các công ty vay tiền của các ngân hàng - theo các nhà phân tích.

Các cuộc khảo sát cho thấy các ngân hàng Mỹ và châu Âu đã thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay, vốn là một yếu tố dự báo về hoạt động ảm đạm của thị trường chứng khoán.

Các công ty phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản vay khi nguồn tài chính khan hiếm hơn, và điều này làm ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá cổ phiếu.

Việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay có xu hướng tương quan với suy thoái và thị trường chứng khoán có xu hướng giảm trong thời kỳ suy thoái. Đây không phải là một dấu hiệu tốt - theo Jason Da Silva, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại ngân hàng Arbuthnot Latham ở London.

Suy thoái bắt đầu tại Mỹ có xu hướng lan dần sang phần còn lại của thế giới.

Chỉ số sản xuất của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 trong tháng Ba vừa qua và là tháng thứ năm sụt giảm liên tiếp.

[Chứng khoán thế giới tăng điểm sau khi ECB nâng lãi suất]

Dữ liệu trên cho thấy một cuộc suy thoái sắp xảy ra ở Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác. Sự sụt giảm đó sẽ bắt đầu gây sức ép lên các tài sản mang tính rủi ro như chứng khoán - nhà kinh tế thị trường cấp cao Oliver Allen của Capital Economics cho hay.

Trong khi cổ phiếu ngành công nghệ là động lực chủ yếu cho mức tăng trên thị trường chứng khoán kể từ đầu năm 2023 đến nay, ngành này có thể không tránh khỏi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Cổ phiếu ngành công nghệ - chỉ số phụ lớn nhất của chỉ số chứng khoán thế giới MSCI - đã tăng 20% từ đầu năm đến nay, trong khi các lĩnh vực lớn khác như chăm sóc sức khỏe và năng lượng và ngân hàng đi ngang hoặc thậm chí giảm.

Chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng 7% trong quý 1 vừa qua, mức tăng này vẫn luôn được duy trì cho đến nay. Bảy cổ phiếu công nghệ có vốn hóa lớn đóng góp lên tới 92% mức tăng trong quý 1 năm 2023 cho chỉ số S&P 500 - Ngân hàng Citi lưu ý.

Các nhà đầu tư coi các công ty công nghệ lớn như một lá chắn chống lại tình trạng siết chặt tín dụng - người đứng đầu bộ phận chiến lược giao dịch cổ phiếu Mỹ của Citigroup, Stuart Kaiser, cho biết.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định trong một cuộc suy thoái sâu hơn, các nhà quản lý tài chính có thể sẽ bán cổ phiếu công nghệ với giá rẻ hơn, vì đó là bước đi cần thiết.

Giữa bão lốc bất ổn của các ngân hàng, chứng khoán trụ được bao lâu? ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Tháng 3/2023 là tháng đầu tiên sau 20 năm cổ phiếu ngành tài chính giảm từ 10% trở lên và chỉ số chứng khoán thế giới MSCI không giảm - nghiên cứu của Morgan Stanley cho thấy.

Mối quan hệ lịch sử này có thể đã chững lại vì thị trường không tin rằng sự lây lan của lĩnh vực tài chính sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế rộng lớn hơn - theo nhận định của trưởng bộ phận chiến lược về chứng khoán châu Âu của Morgan Stanley, Graham Secker.

Người đứng đầu bộ phận vĩ mô tại tập đoàn ngân hàng Lombard Odier, Florian Ielpo, cảnh báo những rắc rối trong ngành ngân hàng vẫn có thể kéo chứng khoán đi xuống.

Các ngân hàng có thể sẽ cho vay ít hơn, cộng với chi phí tín dụng cao hơn sẽ làm giảm thu nhập, dẫn đến thúc đẩy những người nắm giữ cổ phần chuyển hướng phân bổ sang trái phiếu.

Tháng 3/2023 là tháng đánh dấu sự đảo ngược đường cong lợi suất sâu nhất trong 42 năm, trong đó lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm.

Theo nghiên cứu của Barclays, chứng khoán có thể tăng khi đường cong lợi suất đảo ngược, song mức tăng này thường không được duy trì.

Sự đảo ngược đường cong lợi suất được coi là chỉ báo cho suy thoái kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục