Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội-tiền thân của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ngày nay.
76 năm qua, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội luôn kiên trì, nỗ lực triển khai quan điểm của Đảng, Nhà nước, lấy con người làm trung tâm, phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển.
Ngay sau khi thành lập, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã bắt tay vào tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và tham gia tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, giải quyết những vấn đề bức thiết nhất như thành lập Hội Cứu đói nhằm tìm kiếm nguồn lương thực, thực phẩm để cứu giúp người nghèo; thành lập Ủy ban Tối cao tiếp tế và cứu tế của Chính phủ; ban hành quy định chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sỹ.
Tại các địa phương, các Sở, Ty Lao động đảm nhận nhiệm vụ huy động nhân công cung cấp cho các ngành sản xuất, vận tải, tiếp tế, tìm việc làm và giới thiệu việc làm cho thợ thuyền, tổ chức các đoàn thợ cấy, thợ gặt … đưa đến các vùng khan hiếm nhân công.
Các đơn vị trực thuộc Bộ ra đời cũng góp phần quan trọng vào phong trào thi đua ái quốc, vận động hàng vạn công nhân, trí thức đi theo Nhà nước non trẻ, tham gia kháng chiến, kiến quốc.
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác, góp phần động viên cán bộ, chiến sỹ và toàn dân anh dũng chiến đấu nơi tiền tuyến lớn, đoàn kết, sáng tạo lao động xây dựng hậu phương lớn, cùng cả dân tộc hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trong đó, nổi bật là những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các phong trào như “Ba sẵn sàng,” “Ba đảm đang,” “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt,” “Nghìn việc tốt”… với sự đóng góp quan trọng của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn còn ấm mãi trong hàng triệu trái tim người Việt Nam.
Từ các phong trào thi đua khác của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, nhiều mô hình hay về giải quyết việc làm, về dạy nghề phục vụ xuất khẩu lao động, về giảm nghèo, về đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc nhóm người yếu thế, người cao tuổi, về tái hòa nhập cộng đồng, nạn nhân tệ nạn xã hội…
Sau ngày đất nước thống nhất, theo đề nghị của Chính phủ, Ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định thành lập Bộ Thương binh Xã hội trên cơ sở bộ phận làm công tác thương binh, liệt sỹ của Bộ Nội vụ. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị xác định và yêu cầu về nhiệm vụ công tác thương binh xã hội ở miền Nam.
Tập trung thực hiện những nhiệm vụ ở miền Nam là tổ chức công tác xác nhận thương binh, liệt sỹ thống nhất chính sách, chế độ giữa hai miền, cất bốc quy tập mộ liệt sỹ, xây dựng nghĩa trang liệt sỹ.
Năm 1987, Hội đồng Nhà nước ra quyết định hợp nhất hai bộ: Bộ Lao động và Bộ Thương binh Xã hội thành “Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.” Đây là bước ngoặt lịch sử đánh dấu sự phát triển và trưởng thành toàn diện của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc đảm trách những nhiệm vụ to lớn mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới phải giải quyết rất nhiều vấn đề hậu quả do chiến tranh, kể cả về tâm lý, tình cảm của hàng chục triệu người. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã không ngừng phấn đấu phát huy sáng tạo, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách đối với người có công và trên các lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
[11/12 chính sách hỗ trợ COVID-19 đã đến với lao động và doanh nghiệp]
Ngành góp phần quan trọng thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, giải quyết các vấn đề liên quan tới lao động, xã hội trong quan hệ hợp tác song phương và trên nhiều diễn đàn đa phương; nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam, thiết lập mối quan hệ hài hòa giữa các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện các cam kết, các chương trình hợp tác, cải thiện môi trường đầu tư, hình ảnh đất nước...
Những năm gần đây, nhiều chương trình, chính sách mới trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã được ban hành, triển khai mang tính đột phá, đổi mới, đảm bảo mọi công dân đều được hưởng quyền an sinh xã hội.
Nổi bật là việc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Đây là dấu ấn lịch sử trong công tác xây dựng thể chế của Bộ, ngành, góp phần đổi mới quan hệ lao động bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp hơn với các cam kết, thông lệ quốc tế về lao động.
Đặc biệt, trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, hai năm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ thông qua các chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như Nghị quyết số 42/NQ-CP; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg; Nghị quyết 68/NQ-CP…
Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội.
Công tác tham mưu, đề xuất thực hiện các giải pháp của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã góp phần quan trọng trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đất nước đang bước vào giai đoạn mới với mục tiêu thực hiện khát vọng hùng cường. Đi đôi với những thuận lợi và cơ hội là những khó khăn, thách thức.
Dù đã im tiếng súng hơn 40 năm nay nhưng ở không ít nơi trên cả nước, bom mìn còn sót lại vẫn hàng giờ, hàng phút đe dọa tính mạng người dân. Hàng triệu người đang chịu ảnh hưởng của thương tật, của chất độc hóa học mà di chứng còn có thể tiếp tục truyền tới những thế hệ tiếp theo.
Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, công tác thương binh, liệt sỹ, chăm sóc người có công đang đòi hỏi cần thực hiện tốt hơn nữa song song với các các chính sách an sinh xã hội, các chính sách liên quan tới những nạn nhân chiến tranh.
Bên cạnh đó, các vấn đề về lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, vượt lên trên những vấn đề này, có thể khẳng định, suốt chặng đường vẻ vang 76 năm qua, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội luôn tận tụy, đoàn kết, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Các phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng cho ngành, như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng khác, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những đóng góp trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội được xã hội ghi nhận là hiện thân của “lòng nhân văn, nhân ái.”./.