Giữ nét quê qua những bức tượng đá ong xứ Đoài

Qua bàn tay của người thợ khéo léo, những khối đá ong tưởng như vô hồn trở thành những chiếc bình hoa xinh xắn, chú hổ dũng mãnh.
Qua bàn tay của người thợ khéo léo, những khối đá ong tưởng như vô hồn, khô cằn trở thành những chiếc bình hoa xinh xắn, chú hổ dũng mãnh hay chú trâu hiền lành… Thổi hồn cho đá Con đường dẫn vào xã Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội), nơi được coi là “thủ phủ” của đá ong xứ Đoài cong cong uốn lượn. Những chiếc cổng, bức tượng đá ong được đục, đẽo tinh vi nối dài làm nổi bật vẻ đẹp đặc trưng của miền quê Bắc Bộ. Ẩn sau đó là sự tài hoa của con người nơi đây. Trầm ngâm bên chén trà nóng, ông Trần Văn Nghiêm, người được tôn vinh có “bàn tay vàng” trong nghề chế tác đá ong chia sẻ: “Những sản phẩm ấy là kết quả của cả một tập thể đấy cô ạ! Dù là giữa trời đông giá rét thì cũng có không ít những giọt mồ hôi...” Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, ông cho hay, từ khâu khai thác đá đến những công đoạn chế tác, tất cả đều phải thực hiện một cách thủ công. Theo ông, việc khai thác đá ong cực nhọc vô cùng. Với những loại đá khác, người ta chỉ việc cho nổ mìn cho đá lăn xuống chân núi rồi dùng cưa máy xẻ ra. Muốn có khối đá kích cỡ nào, người thợ chỉ việc lượn đường cưa theo kích thước vạch sẵn. Với đá ong thì khác hẳn, chỉ cần chạm lưỡi cưa máy vào là khối đá sẽ lập tức bị vỡ vụn bởi đá rất giòn. Để có được những khối đá vuông thành sắc cạnh, người thợ buộc phải dùng cơ bắp kết hợp với một chiếc “thó” dài chừng hai mét để xén đá. Phải đào qua hai lớp đá bản và đá thân để tìm đến lớp cuối cùng là lớp đá chân, người thợ mới có được những khối đá có độ cứng và độ chịu lực tốt nhất. “Như thế hỏi sao mỗi viên đá ong không thấm đầy mồ hôi của người lao động? Người ta dùng máy, còn mình dùng sức của đôi tay cơ mà!,” ông Nghiêm bộc bạch. Vất vả là vậy, nhưng việc chế tác những khối đá ấy thành những sản phẩm mỹ nghệ còn kỳ công hơn nhiều. Tay cầm đục, tỷ mỷ chạm khắc những họa tiết cho một bức tượng hình sư tử, anh Tăng Hữu Dũng, một trong những người có tay nghề hàng đầu ở Bình Yên chia sẻ: “Để giỏi nghề, người thợ không chỉ cần lòng đam mê mà phải có trí tưởng tượng phong phú và con mắt nghệ thuật sắc sảo, nhìn khối đá sẽ biết phân tích làm gì thì đẹp và lợi nhất.”


Miệt mài bên các sản phẩm từ đá ong (Ảnh: Phương Mai/Vietnam+)
Anh Dũng phân tích: Thông thường, với các loại nguyên liệu khác như đá xanh, đá hoa cương,… để tạc hình một con hổ, máy cưa đá sẽ giúp người thợi những đường vanh, đường phá đầu tiên để biến khối đá thành “phôi,” nhàn nhã và năng suất hơn nhiều. Sau đó, người thợ chỉ việc tạc, chạm các chi tiết… Rồi đến khâu cuối cùng là đánh bóng cũng được trợ giúp bằng máy mài. “Đá ong vừa mềm lại vừa giòn, thân đá lỗ chỗ. Bởi thế, ngoài những dụng cụ đục, chạm thủ công, người thợ không thể dùng các dụng cụ cơ khí khác để trợ giúp. Có khi, để tạo được một sản phẩm, người thợ phải mất hàng tháng trời, khó nhất là việc tạo các đường cong, họa tiết sao cho mềm mại từ những khối đá cứng” quệt vệt mồ hôi trong cái lạnh se sắt cuối đông, anh Dũng chia sẻ. Tạo tác những món đồ trang trí đã vậy, để có thể xây được một bức tường đá ong còn công phu hơn nhiều. “Phải tính toán làm sao để các lớp đá xếp chồng được lên nhau một cách thẳng tắp, không bị lệch, cong so với các đường chỉ không phải là chuyện đơn giản. Có làm được như vậy thì công trình mới có được vẻ bề thế và cổ kính cần thiết,” anh Dũng bật mí. Gìn giữ nét quê Thế nhưng, theo người thợ tài hoa này, khi con người biết khai thác nhược điểm của đá ong thì nó lại biến thành ưu điểm rất lớn. Các sản phẩm từ đá ong có vẻ đẹp riêng, đường nét tự nhiên, giữ đúng chất của sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tiếc rằng, việc tối giản các dụng cụ và phụ thuộc phần lớn vào sự khéo léo của đôi tay người thợ nên nghề điêu khắc đá ong ít khi gia truyền được. Trước khi có nghề chế tác đá ong thành các sản phẩm mỹ nghệ,… người dân xứ Đoài chủ yếu khai thác đá ong làm vật liệu xây dựng. Không chỉ vì lý do có sẵn trong tự nhiên, mà sắc vàng của đá ong luôn tạo cho con người cảm giác ấm cúng, thân quen. Ông Nghiêm bảo, đá ong với ông cũng như nhiều người dân như là cơm ăn, nước uống. Ở miền quê bán sơn địa này, từ người già tới con trẻ, có mấy ai không hiểu giá trị của đá ong trong đời sống. “Người ta sinh ra và lớn lên trong căn nhà xây bằng đá ong, cuộc đời gắn với những thăng trầm của nghề khai thác, chế tác đá ong,” nói rồi, đôi môi người thợ run run vì xúc động. Triền miên trong câu chuyện, giọng ông Nghiêm bỗng nghẹn lại: “Trong cái mừng cũng có cái tủi! Ngày trước, dân quê tôi lấy đá ong để xây nhà, xây tường; còn bây giờ đá ong hình như chỉ dùng để chế tác ra những sản phẩm cao cấp dành cho người có điều kiện.”


Vẻ đẹp đá ong Bình Yên (Ảnh: Phương Mai/Vietnam+)
Nhiều “đại gia” ở phố lớn thường xuyên tìm đến xứ Đoài mây trắng để lựa đá ong về trang trí cho khuôn viên gia đình. Anh Dũng cho hay, một đôi sư tử tạc từ đá ong khối lớn, có người trả tới 80 triệu đồng, đôi voi đá ong cỡ vừa có giá khoảng 40 triệu đồng, giá một mét vuông tường xây bằng đá ong lên tới 1,2-1,4 triệu đồng... Ông Trịnh Văn Ý, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã cho biết, Bình Yên là nơi tập trung nhiều đá ong nhất vùng Thạch Thất. Hiện ở Bình Yên có khoảng 200 hộ sống bằng nghề khai thác, chế tác đá ong. Các sản phẩm chế tác từ đá ong của các cơ sở sản xuất ở Bình Yên được xuất đi rất nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt là khu vực miền Nam. Nhiều người thợ có tay nghề cao như anh Tăng Hữu Dũng, ông Nguyễn Văn Mười được mời đi thiết kế, tạo tác những công trình xây dựng nhà cửa, cổng chùa,… ở nhiều địa phương trong cả nước. Theo thời gian, thứ đá tưởng như lỗ chỗ, vô hồn ấy đã tạo nên vẻ đẹp, nét đặc trưng riêng, khó lẫn của xứ Đoài. Trong đó, người ta thấy phảng phất cả nét tính cách giản dị, chịu thương chịu khó của người nông dân Bắc Bộ. Ngày nay, nó tiếp tục mang một sứ mệnh mới-làm giàu cho quê hương./.
Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục