Với gần 110 hộ và trên 470 nhân khẩu, làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống có từ lâu đời và khá nổi tiếng.
Cả làng có khoảng 50 khung dệt. Muốn dệt được một tấm vải thổ cẩm đẹp phải trải qua nhiều công đoạn rất tỷ mỷ. Bông khi được thu hoạch đem về phơi nắng cho thật khô, rồi cho xe cán tách hạt, tiếp tục đưa bông vào khung kéo để làm xơ sợi bông. Cuối cùng những sợi bông tiếp tục cho vào khung kéo thành những sợi vải trắng, được căng ra, rồi dùng sáp ong để làm trơn.
Muốn tạo màu sắc cho các sợi vải, người dân thường dùng các loại củ và vỏ cây lấy từ rừng về đem nấu và vắt lấy nước. Cây chàm giã nát và ngâm trong nước suốt 3 ngày đêm, sau đó cho vào một ít vôi bột, đưa những đúp vải vào khuấy đều, ngâm sau một đêm vớt ra sẽ có sợi vải màu đen.
Dụng cụ khung dệt được làm bằng khung gỗ và có một, hai hay nhiều que gỗ khi dệt để tạo thành hoa văn, một con thoi hình lưỡi dao và một thanh gỗ để đạp cho căng tấm vải trong quá trình dệt. Giai đoạn khó khăn nhất là giai đoạn đầu tạo hình dáng, họa tiết và hoa văn, màu sắc trên khung dệt. Giai đoạn này chỉ giao cho người có nhiều kinh nghiệm đảm nhận, còn khâu dệt vải dành cho các thiếu nữ trẻ tuổi nhanh tay, lẹ mắt và có sức khỏe tốt.
Hoa văn, họa tiết trang trí trên thổ cẩm của người dân Hà Ri, Vĩnh Thạnh cũng có nét đẹp riêng. Đó là những đường thẳng, đường cong và hình tam giác, những hoa văn li ti chồng lên nhau tạo thành một dải phức hợp quanh một mẫu trang trí chính là ngôi sao 8 cánh dệt trên nền trắng.
Người Bana ở đây chọn màu đen là màu chủ đạo trong trang phục thổ cẩm, kết hợp với màu đỏ, trắng và điểm thêm một ít màu vàng, xanh tạo nên ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự tương phản.
Ngoài những sản phẩm truyền thống chính như áo, váy và chăn, người Hà Ri ngày nay còn cho ra đời nhiều sản phẩm mới phục vụ thị hiếu của khách hàng như xà rông, khố, bộ váy nữ, túi xách tay, ví dựng tiền và ví đựng điện thoại.
Muốn dệt được một sản phẩm hoàn chỉnh có kích thước từ 50-80cm, hoặc từ 0,8-1m và muốn dệt xong một tấm chăn các cô gái Bana phải dệt liên tục trong 5 ngày, một chiếc áo khoác cho nam giới cũng mất 2 ngày. Vì vậy, trước đây, dệt thổ cẩm được coi là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá phẩm chất, đức hạnh của người con gái.
Thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung và nghề dệt thổ cẩm làng Hà Ri nói riêng, ông Nguyễn Bá Tài - Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh, cho biết từ năm 2005 đến nay, Bình Định đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng, trong đó xây dựng một nhà sàn giới thiệu sản phẩm tại thị trấn Vĩnh Thạnh, tổ chức đào tạo 4 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho hơn 200 thiếu nữ ở địa phương.
Ông Đình Kim - Bí thư huyện ủy Vĩnh Thạnh, cho biết huyện chú trọng khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể, cũng như những danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch. Trong đó có việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm Hà Ri để tạo sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ du khách trong và ngoài nước./.
Cả làng có khoảng 50 khung dệt. Muốn dệt được một tấm vải thổ cẩm đẹp phải trải qua nhiều công đoạn rất tỷ mỷ. Bông khi được thu hoạch đem về phơi nắng cho thật khô, rồi cho xe cán tách hạt, tiếp tục đưa bông vào khung kéo để làm xơ sợi bông. Cuối cùng những sợi bông tiếp tục cho vào khung kéo thành những sợi vải trắng, được căng ra, rồi dùng sáp ong để làm trơn.
Muốn tạo màu sắc cho các sợi vải, người dân thường dùng các loại củ và vỏ cây lấy từ rừng về đem nấu và vắt lấy nước. Cây chàm giã nát và ngâm trong nước suốt 3 ngày đêm, sau đó cho vào một ít vôi bột, đưa những đúp vải vào khuấy đều, ngâm sau một đêm vớt ra sẽ có sợi vải màu đen.
Dụng cụ khung dệt được làm bằng khung gỗ và có một, hai hay nhiều que gỗ khi dệt để tạo thành hoa văn, một con thoi hình lưỡi dao và một thanh gỗ để đạp cho căng tấm vải trong quá trình dệt. Giai đoạn khó khăn nhất là giai đoạn đầu tạo hình dáng, họa tiết và hoa văn, màu sắc trên khung dệt. Giai đoạn này chỉ giao cho người có nhiều kinh nghiệm đảm nhận, còn khâu dệt vải dành cho các thiếu nữ trẻ tuổi nhanh tay, lẹ mắt và có sức khỏe tốt.
Hoa văn, họa tiết trang trí trên thổ cẩm của người dân Hà Ri, Vĩnh Thạnh cũng có nét đẹp riêng. Đó là những đường thẳng, đường cong và hình tam giác, những hoa văn li ti chồng lên nhau tạo thành một dải phức hợp quanh một mẫu trang trí chính là ngôi sao 8 cánh dệt trên nền trắng.
Người Bana ở đây chọn màu đen là màu chủ đạo trong trang phục thổ cẩm, kết hợp với màu đỏ, trắng và điểm thêm một ít màu vàng, xanh tạo nên ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự tương phản.
Ngoài những sản phẩm truyền thống chính như áo, váy và chăn, người Hà Ri ngày nay còn cho ra đời nhiều sản phẩm mới phục vụ thị hiếu của khách hàng như xà rông, khố, bộ váy nữ, túi xách tay, ví dựng tiền và ví đựng điện thoại.
Muốn dệt được một sản phẩm hoàn chỉnh có kích thước từ 50-80cm, hoặc từ 0,8-1m và muốn dệt xong một tấm chăn các cô gái Bana phải dệt liên tục trong 5 ngày, một chiếc áo khoác cho nam giới cũng mất 2 ngày. Vì vậy, trước đây, dệt thổ cẩm được coi là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá phẩm chất, đức hạnh của người con gái.
Thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung và nghề dệt thổ cẩm làng Hà Ri nói riêng, ông Nguyễn Bá Tài - Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh, cho biết từ năm 2005 đến nay, Bình Định đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng, trong đó xây dựng một nhà sàn giới thiệu sản phẩm tại thị trấn Vĩnh Thạnh, tổ chức đào tạo 4 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho hơn 200 thiếu nữ ở địa phương.
Ông Đình Kim - Bí thư huyện ủy Vĩnh Thạnh, cho biết huyện chú trọng khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể, cũng như những danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch. Trong đó có việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm Hà Ri để tạo sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ du khách trong và ngoài nước./.
Viết Ý (TTXVN/Vietnam+)