Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa người Mông ở Hà Giang

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông và Festival khèn Mông năm 2023 ở Hà Giang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến khám phá nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân vùng Cao nguyên đá.
Ngày hội là hoạt động văn hóa thường niên được huyện Mèo Vạc tổ chức nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung và văn hóa dân tộc Mông nói riêng. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Mèo Vạc nói riêng là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mông chiếm số lượng đông nhất. Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, đồng bào dân tộc Mông huyện Mèo Vạc đã xây dựng một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc và được giữ gìn, bảo tồn khá tốt.

Người Mông ở Hà Giang có gần 200.000 người, là dân tộc có số dân đông nhất chiếm trên 31% các dân tộc trong tỉnh, với 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa sinh sống chủ yếu ở các huyện phía Bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và hai huyện phía Tây là Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Người Mông cư trú xen kẽ với các dân tộc: Dao, Lô Lô, Pu Péo, Cờ Lao, Tày, Nùng ...

Người Mông ở đây nổi tiếng với truyền thống canh tác nương đá, trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác. Sản xuất thủ công của đồng bào Mông đạt đến trình độ khá cao như dệt, đan lát, làm đồ gỗ, rèn đúc.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông rất độc đáo. Một bộ nữ phục bao gồm váy, áo cánh, áo xẻ ngực có yếm lửng, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp... Váy thường là hình nón cụt, xếp nếp xoè rộng, cũng có khi là váy ống, khi mặc xếp ở hai bên hông.

Nhà của người Mông làm bằng đất, có 3 gian, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên. Các cửa chính và cửa phụ đều mở về phía trong.

Văn hoá truyền thống người Mông là một kho tàng hết sức phong phú với những phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng. Các dòng họ người Mông có cách thờ cúng tổ tiên không giống nhau.

Một số lễ cúng chính như cúng ma cửa (xia mình), ma lớn mụ (đa trung) với số lượng, nội dung các bài cúng, bài trí, sắp xếp nơi cúng, nơi ăn uống đa dạng.

Văn học nghệ thuật Mông thể hiện tâm lý, ý thức của cộng đồng, các vấn đề về tự nhiên, xã hội và lịch sử. Nổi bật trong đó là những khúc hát về tình yêu, được thể hiện bằng khèn, sáo, đèn môi, kèn lá. Hoa văn trang trí trên váy là các hình bướm, rắn, hoa, răng bừa, mắt chim, chân lợn... màu sắc hài hoà. Tất cả là những tài sản vô giá của cộng đồng người Mông được lưu giữ từ lâu đời.

[Lên Hà Giang dự lễ cầu an truyền thống độc đáo của dân tộc Giáy]

Là huyện vùng cao xa nhất của tỉnh Hà Giang, mặc dù điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt nhưng tạo hóa đã ban tặng cho huyện Mèo Vạc nhiều phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ nên thơ, làm say đắm lòng người như Đèo Mã Pì Lèng đệ nhất hùng quan, dòng sông Nho Quế uốn lượn thơ mộng, khu vực Mê cung đá huyền bí, mê hoặc và nhiều phong tục, lễ hội truyền thống như Lễ cầu mưa của người Lô Lô, Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, Lễ hội Mừng năm mới của dân tộc Giáy, Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai…

Đây là những hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc truyền thống được duy trì từ hàng trăm năm qua và là tài sản vô giá trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc huyện Mèo Vạc.

Kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp đó, trong những năm qua, huyện Mèo Vạc tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông vào mỗi dịp đầu Xuân năm mới, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, như Lễ hội Gầu tào, Hội múa khèn Mông, thi chim Họa Mi hót, trình diễn trang phục dân tộc Mông, tham quan các gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của địa phương và trải nghiệm đi chợ phiên đầu xuân vào buổi sáng chủ nhật tại chợ trung tâm huyện.

Lễ khai mạc gắn với Lễ hội Gầu tào và biểu diễn khèn Mông. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Năm 2023, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông và Festival khèn Mông được tổ chức trong 2 ngày 4-5/2 với nhiều nội dung đặc sắc góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tới du khách gần xa.

Trong khuôn khổ Ngày hội, huyện Mèo Vạc tổ chức lồng ghép với Festival khèn Mông, không chỉ tái hiện các giá trị văn hóa của dân tộc Mông mà còn giới thiệu cho du khách tìm hiểu về lịch sử hình thành cây khèn Mông, tục cúng xin khèn, màn đồng diễn múa khèn Mông với sự tham gia của hơn 300 nghệ nhân là người dân tộc Mông đến từ các xã, thị trấn của huyện Mèo Vạc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý nhấn mạnh đây là sự kiện văn hóa đặc trưng tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mông, được huyện Mèo Vạc tổ chức hằng năm, là trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.

Ngày hội văn hóa dân tộc Mông được tổ chức định kỳ hằng năm, không chỉ là sự kiện, sản phẩm văn hóa đặc sắc, độc đáo của nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc, mà còn thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước đối với nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân sinh sống trên vùng Cao nguyên đá.

Đến với Ngày hội năm nay, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị tại sân vận động huyện Mèo Vạc và Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào như mèn mén, thắng cố, tậu chúa, thịt bò khô cùng nhiều hoạt động văn hóa thể thao dân gian mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục