Giọt máu trao đi - Cuộc đời ở lại, yêu thương lan tỏa

Việc hiến máu tình nguyện không chỉ là một biểu hiện của lòng nhân ái, còn là minh chứng cho sự đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng mang ý nghĩa “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại.”
Các cá nhân hiến máu tình nguyện nhiều lần tiêu biểu được tôn vinh. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Từ trái tim của mình, mỗi người có một cách để hướng đến những hoạt động cao đẹp khác nhau. Có người chọn cách kết nối, làm thiện nguyện, cũng có người lặng lẽ hiến máu, kịp thời cứu người.

Giọt máu cho đi có thể cứu sống những người trong các trường hợp khẩn cấp như tai nạn, phẫu thuật hoặc điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh máu.

Việc hiến máu tình nguyện không chỉ là một biểu hiện của lòng nhân ái, còn là minh chứng cho sự đoàn kết, sẻ chia trong cộng đồng mang ý nghĩa “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại.”

Mang lại hy vọng sống và sức khỏe cho người bệnh

Năm 2023, Bình Phước là tỉnh có số lượng cá nhân được tôn vinh trong hoạt động hiến máu tình nguyện đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh) với 1.479 cá nhân, 28 tập thể và 184 gia đình được tặng bằng khen của tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết năm 2023, tỉnh đã tiếp nhận trên 19.315 đơn vị máu, đạt 126% kế hoạch, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại đạt 75% (cao hơn năm trước là 10%).

Đạt được những kết quả trên là nhờ Bình Phước coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện bằng nhiều hình thức; thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn vinh người hiến máu để động viên, khích lệ kịp thời.

Sơn La là địa phương miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giao thông không thuận tiện, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao, đời sống của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhưng 15 năm qua, địa phương vận động và tiếp nhận trên 37.000 đơn vị máu. Riêng năm 2023 đạt hơn 6.007 đơn vị máu, trong đó 100% là hiến máu tình nguyện. Tỷ lệ dân số tham gia hiến máu tăng dần qua các năm.

Tình nguyện viên tham gia hiến máu tại Chương trình hiến máu nhân đạo “Sắc hồng blouse 18,” do Đại học Dược Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức. (Ảnh: Thảo Quyên/TTXVN phát)

Anh Trần Như Dũng, thành phố Sơn La, một trong những người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023, chia sẻ khi tròn 18 tuổi, anh đã bắt đầu tham gia hiến máu, đến nay được 25 lần. Anh sẽ tiếp tục tham gia, bởi, bản thân còn đủ điều kiện hiến máu nghĩa là sức khỏe tốt. Với anh, hiến máu là niềm vui vì mang lại hy vọng sống, sức khỏe cho người bệnh. Anh cũng rất tích cực tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, bạn bè cùng tham gia hiến máu.

Tại tỉnh Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện, ngày hội hiến máu tình nguyện; đã có trên 50.000 người đăng ký tham gia hiến máu, tiếp nhận 52.682 đơn vị máu, đạt 130% chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Thanh Hóa, cho biết năm nay, Hội chỉ đạo, giám sát các đơn vị trong công tác tuyên truyền, vận động người hiến máu, tránh tình trạng đăng ký ảo, tuyên truyền cho người tham gia hiến máu tự sàng lọc bệnh tật của mình trước khi đăng ký hiến máu, đồng thời thực hiện đúng kế hoạch, thời gian và chỉ tiêu.

Hoạt động hiến máu ban đầu xuất phát từ tổ chức Đoàn, đến nay đã lan rộng toàn xã hội với sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhưng thanh niên vẫn giữ vai trò xung kích đi đầu.

Em Võ Thị Ngọc Trâm, sinh viên Trường Đại học Quảng Nam, năm nào cũng tham gia hiến máu tình nguyện, bởi Trâm cho rằng "một đơn vị máu của mình có thể cứu sống được một con người. Do vậy, khi còn sức khỏe, em sẽ tham gia hiến máu tình nguyện."

Vũ Thị Phương, sinh viên trường Đại học Hà Nội, có 4 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Với Phương, hiến máu đã trở thành một thói quen, em hy vọng có thể duy trì thói quen này thật lâu.

Lê Thị Tường Vy, sinh viên Trường Đại học Văn Hiến Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ lần đầu tiên hiến máu em có hơi sợ nhưng sau khi hiến máu xong em thấy khỏe mạnh, bình thường. Nghĩ đến việc máu của mình sẽ được dùng để cứu người em thấy vui hơn, vượt qua được nỗi sợ hãi và sẽ tiếp tục hiến máu trong những lần sau.

Nhiều bạn trẻ khi tham gia hành trình “Hiến máu cứu người” không những có thêm những kỷ niệm đẹp, còn trưởng thành hơn, thêm vốn sống, khát vọng cống hiến ngày càng nhiều cho cộng đồng, xã hội, đất nước. Nhiều bạn ở khắp mọi miền Tổ quốc đã kết nối với nhau thành mạng lưới thiện nguyện, thành cộng đồng của “những tấm lòng cao quý."

Những kết quả đáng ghi nhận

Năm 2023, hoạt động hiến máu tình nguyện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn quốc đã vận động, tiếp nhận 1.555.593 đơn vị máu, đạt 110% chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, 99% đơn vị máu là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương trên 1,5% dân số hiến máu; tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt trên 60%; tỷ lệ đơn vị máu có thể tích 350ml trở lên đạt 61%.

Tình nguyện viên đến hiến máu tình nguyện tại điểm Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương ngày 14/6/2023. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nhiều hoạt động đã, đang được tổ chức, tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong phong trào hiến máu tình nguyện như: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết, “Lễ hội Xuân hồng” vận động, tiếp nhận được 294.138 đơn vị máu; Chiến dịch “Những giọt máu hồng Hè” và “Hành trình Đỏ” đã vận động, tiếp nhận gần 548.381 đơn vị máu và nhiều sự kiện hiến máu lớn khác như Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4), Ngày Quốc tế Người hiến máu (14/6).

Đến nay, cả nước đã thành lập được 4.530 câu lạc bộ với 153.170 thành viên tham gia, như Câu lạc bộ hiến máu dự bị, Câu lạc bộ 25, Câu lạc bộ máu hiếm, Câu lạc gia đình hiến máu, Câu lạc bộ vận động hiến máu tình nguyện.... Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng được quan tâm, triển khai có hiệu quả.

Cùng với đó, Hội chữ thập đỏ các cấp đã đề ra các giải pháp, hoạt động thiết thực, cụ thể, tiếp tục thúc đẩy hiệu quả hơn nữa công tác vận động hiến máu tình nguyện; đặc biệt quan tâm đến chất lượng, an toàn, tính bền vững của hoạt động; củng cố, xây dựng các điểm hiến máu, ngân hàng máu ổn định, đầy đủ và an toàn; chủ động điều tiết máu trong cả nước bảo đảm hợp lý, khoa học để phục vụ người bệnh.

Mới đây, tại hội nghị triển khai công tác hiến máu tình nguyện năm 2024, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Đào Hồng Lan đề nghị Hội Chữ thập Đỏ các cấp cần chia sẻ bài học, kinh nghiệm thành công và chưa thành công trong công tác hiến máu tình nguyện; đề xuất các giải pháp cụ thể, sáng tạo để đáp ứng đủ máu cho cấp cứu, điều trị bệnh trong cả nước, dự phòng trong thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng và điều phối cho các địa phương.

Thời gian tới, Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện sẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác hiến máu; nhanh chóng, thống nhất, đồng bộ thông tin người hiến máu trên toàn quốc, kết nối giữa người hiến máu, trung tâm truyền máu, các ngân hàng máu và các bệnh viện để nâng cao tính chủ động, kịp thời trong mọi tình huống; phối hợp với các đơn vị tiếp nhận máu kiểm tra, giám sát, tổ chức tốt việc chăm sóc người hiến máu, đảm bảo chế độ tốt cho người hiến máu.

Các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể, nhất là các lực lượng tích cực, như: y tế, công an, quân đội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác hiến máu tình nguyện; phát huy vai trò của ban chỉ đạo các cấp; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người hiến máu tình nguyện tiếp tục tham gia hiến máu thường xuyên.

Ban chỉ đạo các cấp cũng tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong công tác vận động hiến máu tình nguyện, tổ chức các lớp tập huấn trực tiếp và trực tuyến đưa thông tin đến với người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục