Giới văn nghệ nhận nhiều tin buồn cùng lúc vào ngày Rằm tháng Tám

Trong ngày Rằm tháng Tám, giới văn nghệ cùng lúc nhận tin nhiều văn nghệ sỹ qua đời, đó là nhà thơ Trần Quang Quý, nhà văn-Tiến sỹ Phan Hồng Giang và nhà biên kịch Ngụy Ngữ.
Nhà thơ Trần Quang Quý. (Ảnh: FBNV)

Theo thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 10/9 (tức Rằm tháng Tám), nhà thơ Trần Quang Quý, nhà văn-tiến sỹ Phan Hồng Giang vừa qua đời.

Sau một thời gian dài chống lại bạo bệnh, vào lúc 11h sáng nay, nhà thơ Trần Quang Quý đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Ông ra đi nhẹ nhàng như những câu thơ ông viết cuối đời. Trần Quang Quý là một nhà thơ dấn thân trọn đời cho sự sáng tạo thơ ca. Càng bệnh nặng ông càng viết. Thơ ca đã giữ ông ở lại thế gian này lâu hơn chúng ta nghĩ. Và những bài thơ của ông sẽ sống lâu hơn cuộc đời ông.”

Nhà thơ Trần Quang Quý sinh ngày 2/1/1955 tại xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Ông nguyên là Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội.

Ông được biết đến là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ Việt hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Ngoài những tập thơ đã xuất bản trong nước, thơ Trần Quang Quý đã được dịch và in ở nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Ba Lan, Cộng hòa Czech…

Từ năm 1971 đến năm 1977, ông tham gia lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tại các tỉnh Nghệ An, An Giang, Kiên Giang. Từ năm 1977 đến năm 1982, ông là cán bộ văn hóa thông tin Phú Thọ. Từ năm 1983 đến năm 1985, sau khi ra quân, Trần Quang Quý theo học khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du. Đây là khoảng thời gian đánh dấu bước đầu sự nghiệp sáng tác thơ của ông khi giành giải Giải Nhì thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1983-1984.

Trần Quang Quý viết nhiều và có những tác phẩm ghi dấu ấn trong làng thơ Việt Nam như: “Viết tặng em trong ngôi nhà chật,” “Mắt thẳm,” “Giấc mơ hình chiếc thớt,” “Siêu thị mặt,” “Cánh đồng người” (thơ song ngữ)....

Bên cạnh sáng tác thơ, Trần Quang Quý cũng viết kịch bản phim truyện và truyện ngắn. Những tác phẩm nổi bật ở hai thể loại này có thể kể đến: “Lời sám hối muộn mằn” (phim truyện), “Chị Châu” (phim truyện), “Bờ sông Trăng sáng” (truyện ngắn), “Bay lên những giấc mơ” (bút ký, 2017)....

Trần Quang Quý ba lần nhận Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam: Năm 2004 với tác phẩm “Giấc mơ hình chiếc thớt,” năm 2012 với "Màu tự do của đất” và năm 2019 với tập thơ “Nguồn.”

Cùng ngày, Tiến sỹ, nhà văn Phan Hồng Giang, con thứ nhà phê bình Hoài Thanh, chồng nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát vừa qua đời tại nhà riêng sáng 10/9 vì tuổi già.

Nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang. (Ảnh: FBNV)

Ông Nguyễn Quang Thiều đánh giá nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang có một kiến thức sâu rộng, một tư duy logic đầy khám phá, một cách nhìn luôn luôn mới mẻ và thái độ làm việc khoa học. Những bài viết và những công trình nghiên cứu của ông vừa mang tính kinh viện, vừa mang tính đương đại và đầy dự báo.

Sinh năm 1941, nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang từng giữ những chức vụ: Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia, hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du…

Ông sinh ra và lớn lên ở Huế, trong một gia đình có những người làm khoa học, đặc biệt là người cha nổi tiếng - nhà phê bình Hoài Thanh với cuốn sách phê bình văn học “Thi nhân Việt Nam” được đánh giá là công trình phê bình độc đáo bậc nhất của thế kỷ XX.

Ông Phan Hồng Giang từng học tiếng Nga tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, sau đó là sinh viên khoa văn, Đại học Tổng hợp Moskva (Nga). Ngoài phát triển sự nghiệp phê bình văn học, ông còn xuất sắc trong vai trò một nhà nghiên cứu văn hóa, một dịch giả từng dịch các tác phẩm nổi tiếng của văn học Nga.

[Danh hài Giang 'còi' qua đời sau thời gian chống chọi với bạo bệnh]

Những tác phẩm văn học Nga mà ông đã dịch: “Truyện ngắn Chekhov,” “Hơi thở nhẹ,” "Say nắng" (Ivan Bunin, giải Nobel văn học), “Daghestan của tôi” (Rasul Gamzatov), “Cánh buồm đỏ thắm” (Alexander Grin)…

Năm 2012, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các cuốn: “Ghi chép về tác giả và tác phẩm,” “Chung quanh một số vấn đề văn hóa nghệ thuật.”

Sinh thời, tiến sỹ Phan Hồng Giang tâm sự: "Tuy vốn không thích nói những lời có vẻ to tát, tôi vẫn muốn bày tỏ lòng mong mỏi những người cầm bút chúng ta trước khi và trong khi cầm bút, hãy tuyên chiến với căn bệnh trầm kha vô cảm đang lây lan khắp xã hội. Hãy chia sẻ tình thương với từng số phận con người, hãy là một công dân biết canh cánh lo toan cùng dân tộc trước vận mệnh của đất nước này, hôm nay và mai sau.”

Ngày 9/9, theo chia sẻ từ phía gia đình, nhà văn, nhà biên kịch Nguỵ Ngữ ra đi tại nhà riêng, sau thời gian dài lâm trọng bệnh, hưởng thọ 76 tuổi.

Nhà văn, nhà biên kịch Ngụy Ngữ sinh năm 1947 tên thật là Nguyễn Văn Ngữ, quê quán tại Thừa Thiên Huế. Trước năm 1975, ông là cây bút của tạp chí Văn.

Nhà biên kịch Ngụy Ngữ. Ảnh: Quang Đại

Sau năm 1975, ông viết kịch bản phim, trong đó có nhiều phim đáng chú ý như “Con thú tật nguyền,” “Cảnh sát hình sự,” “Ai xuôi vạn lý” (với Nguyễn Thiên Đỉnh), “Xóm nước đen” (4 tập), “Bụi hồng,” “Những năm tháng đã qua” (5 tập), “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Phan Quang Bình đạo diễn), “Mẹ con Đậu Đũa”...

Năm 2003, bộ phim “Gái nhảy” do nhà văn, nhà biên kịch Nguỵ Ngữ viết kịch bản, đạo diễn Lê Hoàng thực hiện, Hãng phim Giải Phóng sản xuất đã tạo nên tiếng vang lớn đối với phim truyền hình thời bấy giờ bởi đây là bộ phim mở đầu cho thời kỳ phim thương mại sau giai đoạn khủng hoảng của điện ảnh Việt Nam thập niên 1990.

Ngoài ra, ông còn là người viết kịch bản cho một số vở diễn của nghệ sỹ nhân dân Kim Cương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục