Giới trẻ Trung Quốc bỏ qua bất động sản, tìm cơ hội mới để làm giàu

Thay vì đầu tư vào bất động sản giống như thế hệ trước, người trẻ Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến thị trường chứng khoán và các quỹ đầu tư cá nhân, đồng thời sẵn sàng chấp nhận rủi ro để làm giàu.
Giới trẻ Trung Quốc bỏ qua bất động sản, tìm cơ hội mới để làm giàu ảnh 1Đầu tư bất động sản không còn là con đường làm giàu mà giới trẻ Trung Quốc theo đuổi. (Ảnh: Getty Images)

Giống như hàng triệu thanh niên Trung Quốc khác, Byron Zhang, 37 tuổi, nghĩ rằng mình đã “lỡ tàu” trong hoạt động đầu tư bất động sản. Cha mẹ Zhang từng coi bất động sản là con đường chắc chắn để trở nên giàu có.

Nhưng giờ đây, khi giá cả nhà đất lao dốc, dân số sụt giảm và việc Trung Quốc có thừa mứa những căn hộ đang xây dở hay không bán được, giấc mơ làm giàu đó đã tan thành mây khói.

“Nếu vẫn coi đầu tư bất động sản như một cách tốt để khiến tài sản của mình tăng trưởng, bạn không hoàn toàn đúng đâu,” Zhang nói.

Zhang, người đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp về dược phẩm ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến, và các đồng nghiệp của anh không từ bỏ giấc mơ làm giàu.

Họ tin rằng một công việc được trả lương cao chỉ có thể đưa mình đi xa tới một mức độ nhất định, trong khi lựa chọn đầu tư đúng đắn có thể mang lại sự thay đổi lớn hơn nhiều. 

Theo một cuộc khảo sát do Invesco thực hiện hồi tháng 2 trên 3.000 người, hơn 90% công dân Trung Quốc trong độ tuổi từ 22 đến 32 và có trình độ đại học, cho biết rằng đầu tư là một phần quan trọng trong kế hoạch sống của họ.

Nhưng họ sẽ đầu tư vào đâu? Hoạt động kiểm soát và các quy định chặt chẽ của Trung Quốc khiến tiền khó chảy vào các sàn giao dịch chứng khoán ở nước ngoài.

Các loại tiền điện tử bị cấm giao dịch ở nước này. Trái phiếu không mang lại lợi nhuận lớn như mong đợi. Tiền lãi từ các sản phẩm quản lý tài sản do ngân hàng nội địa phát hành đã giảm.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc về cơ bản đã đóng cửa các giải pháp thay thế từng rất ăn khách như cho vay ngang hàng - trước đó đã thu hút hơn 50 triệu nhà đầu tư.

Kế đến là thị trường chứng khoán trong nước, thứ bị cộng đồng người Trung Quốc lớn tuổi coi như một hình thức đánh bạc, sau hai chu kỳ bùng nổ rồi lụi tàn. 

Ông Hans Fan, người đứng đầu lĩnh vực nghiên cứu tài chính Trung Quốc tại công ty môi giới CLSA, ước tính rằng dòng vốn tích lũy vào thị trường tài chính từ tất cả các hộ gia đình Trung Quốc sẽ vượt ngưỡng 18.000 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2030.

Điều này mang tới cơ hội lớn cho các tổ chức quản lý tài chính. Trở lại giai đoạn năm 2018, các giao dịch do cá nhân thực hiện chiếm đến 82% tổng số giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Theo cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc, đến năm 2022, sau một số biến động thị trường cực đoan, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 60%.

Nhà đầu tư cá nhân không còn tự đưa ra quyết định nữa. Thay vào đó, họ tăng sự quan tâm vào các quỹ đầu tư được quản lý chuyên nghiệp.

Kể từ năm 2015, số lượng quỹ đầu tư trên thị trường đã tăng lên gấp 5 lần. Ngày nay, có 13.000 quỹ tín thác đang hoạt động, lớn hơn nhiều con số 5.000 công ty giao dịch chứng khoán đã ghi danh hoạt động ở Trung Quốc.

Trong thị trường đông đúc này, các nhà quản lý quỹ cá nhân đôi khi nổi lên như những ngôi sao - hoặc những kẻ phản diện.

Khi làm ăn thuận lợi, nhà đầu tư thông qua mạng xã hội Weibo có thể tặng quà ảo và những lời cổ vũ dành cho người quản lý quỹ có hiệu suất cao. Nhưng khi làm ăn thất bát, họ cũng dễ dàng gửi đi những lời thóa mạ.

[Dòng tiền mặt từ Trung Quốc đang đổ vào thị trường bất động sản châu Á]

Thời đại dịch COVID-19 bùng nổ, các nhà đầu tư đổ xô nhau đi xem những buổi phát hình trực tiếp (livestream) của các nhà quản lý quỹ đầu tư - những người sẽ giải thích về bằng cấp và lợi nhuận mà họ tạo ra, để gây dựng lòng tin, trước khi đưa ra quan điểm về thị trường.

Hiện nay, sự quan tâm với các buổi livestream này vẫn ở mức cao, đặc biệt là trong giới trẻ Trung Quốc.

Theo báo cáo của Huanju Tech - một nền tảng cung cấp dịch vụ tiếp thị cho các tổ chức tài chính, vào năm 2022 có gần 60% người xem livestream thuộc nhóm dưới 39 tuổi.

Cô Wang Jiahui, 29 tuổi, được biết đến với biệt hiệu là “chị cả Hui,” là một nhân vật quan trọng trong ngành. Là gương mặt đại diện cho quỹ đầu tư China Asset Management, cô đã thực hiện hơn 100 buổi livestream, thu hút 45 triệu lượt xem và 1,1 triệu lượt thích trong năm qua.

Theo chia sẻ của Wang Jiahui, ranh giới giữa các thế hệ thể hiện rất rõ ràng. Trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu, nơi có nhiều người dùng lớn tuổi, các buổi livestream về bất động sản rất được ưa chuộng.

Trong khi đó, trên trang chia sẻ video Bilibili, các video nói về mặt trái của hoạt động đầu tư bất động sản lại thu hút nhiều lượt xem hơn.

Các nhà đầu tư trẻ cũng muốn có nhiều sự lựa chọn hơn. Wang cho biết trong khi thế hệ lớn tuổi chủ yếu đầu tư vào sản phẩm do ngân hàng giới thiệu thì thế hệ trẻ “hầu như không bao giờ đầu tư theo cách thức truyền thống mà ưu tiên các kênh qua Internet hơn. Ví dụ, các công cụ phổ biến như ứng dụng Alipay cho phép người dùng đầu tư vào quỹ chỉ sau một cú nhấp chuột.

Các nhà đầu tư trẻ dường như cũng “liều lĩnh” hơn trong hoạt động đầu tư. “Họ muốn bỏ tiền cho các quỹ đầu tư tập trung vào một lĩnh vực cụ thể, thay vì các quỹ đầu tư cân bằng hơn. Họ muốn chơi tất tay,” Wang chia sẻ.

Thực tế này không khiến những người như Li Wei ngạc nhiên. Li, một nhà văn ở Côn Minh, miền Tây Nam Trung Quốc, chia sẻ quan điểm của anh: “Những người nhiều tiền có thể đầu tư nhưng những người không có tiền thì phải đầu cơ.”

Li đang làm theo phương châm này. Năm 2020, do lo sợ thị trường sụp đổ, Li quyết định rằng đã đến lúc thoát khỏi bất động sản và bán đi phần tài sản đầu tư của mình.

Sau đó, anh dành khoảng 20% lợi nhuận bỏ vào một nhóm tài sản khác, gồm cổ phiếu, tiền mặt và đồ sưu tầm giá trị.

“Những cơ hội lớn nhất dành cho thế hệ của chúng ta nằm trong lĩnh vực kinh doanh liên quan đến công nghệ, văn hóa và giải trí. Với bất động sản, khả năng thu lời đã khép lại. Chúng ta không thể lặp lại thành công trước đó của cha mẹ,” Li Wei chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục