Ngày 24/9, giới trẻ trên khắp thế giới bắt đầu đổ ra các đường phố tham gia phong trào tuần hành kêu gọi hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.
Đây là cuộc tuần hành lớn nhất mà thanh niên trên khắp thế giới thực hiện kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong bối cảnh chỉ còn năm tuần nữa sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Trong khuôn khổ phong trào "Những Thứ Sáu hướng tới tương lai" của thanh niên, các cuộc tuần hành bắt đầu ở châu Á và dự kiến diễn ra tại hơn 1.500 địa điểm.
Tại Đức, các nhà tổ chức dự kiến sẽ có hàng trăm nghìn người tham dự hơn 400 cuộc tuần hành.
Nhà hoạt động vì khí hậu người Thụy Điển Greta Thunberg nhấn mạnh đại dịch trong hơn một năm rưỡi qua đã làm thay đổi thế giới, song khủng hoảng khí hậu chưa biến mất, trái lại còn khẩn cấp hơn trước.
[Thông điệp cứu Trái Đất từ hành trình đi bộ 336km của cậu bé 11 tuổi]
Một báo cáo khoa học khí hậu của Liên hợp quốc, công bố hồi tháng Tám vừa qua, cho thấy hành động nhanh chóng trên quy mô lớn nhằm giảm lượng khí thải có thể ngăn chặn các tác động của biến đổi khí hậu.
Tuần trước, Liên hợp quốc cho biết các cam kết mà các nước đưa ra cho thấy vào năm 2030 lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng thêm 16% so với mức 2010, trong khi đến năm 2030 cần phải giảm 45% lượng khí thải để hạn chế tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức 1,5 độ C.
Các cuộc tuần hành ngày 24/9 đánh dấu sự tham gia trực tiếp trở lại của giới trẻ kể từ đợt biểu tình chống biến đổi khí hâu với hơn 6 triệu người tham gia năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động này phần lớn diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Nhà hoạt động thanh niên của Pakistan Yusuf Baluch nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại các hoạt động trực tiếp để hối thúc các nhà lãnh đạo giải quyết cuộc khủng hoảng của hành tinh Xanh, trong đó có cả vấn đề bất bình đẳng trong phân phối vaccine ngừa COVID-19./.