Được triển khai từ giữa tháng 12/2021, mô hình thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút nhiều người dân sử dụng; trong đó nhiều nhất là giới trẻ đến trải nghiệm.
Dịch vụ xe đạp công cộng được Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Trí Nam triển khai từ 16/12/2021.
Doanh nghiệp đã bố trí điểm cho thuê xe tại 43 vị trí (trạm) với khoảng 400 phương tiện trên vỉa hè địa bàn Quận 1, chủ yếu gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, công viên để phục vụ đi lại các chặng đường ngắn.
Ghi nhận tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, dãy xe đạp khoảng 20 chiếc được bố trí trên vỉa hè để người dân đến thuê trải nghiệm. Hầu hết khách đến thuê xe là giới trẻ.
Chị Nguyễn Thu Hà (22 tuổi, trú tại quận Phú Nhuận) cho biết nơi làm việc bên Quận 3 nên thỉnh thoảng chị ghé thuê xe trải nghiệm, chạy một vòng khu vực trung tâm.
[Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng]
“Đây vừa là hình thức tập thể dục, vừa giúp thư thái đầu óc sau thời gian làm việc căng thẳng,” chị Thu Hà chia sẻ.
Đoạn giao giữa đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ được xem là khu vực trung tâm chính của loại hình xe đạp công cộng, do có phố đi bộ Nguyễn Huệ thuận lợi cho người dân đạp xe quanh khu vực.
Dọc tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, kể cả lúc gần giữa trưa, vẫn thường xuyên có những người dân đang sử dụng xe đạp công cộng.
Loay hoay tìm cách đăng ký dịch vụ thuê xe trên điện thoại tại khu đường Lê Lợi-Nguyễn Huệ, em Trần Minh Giang (học sinh lớp 11, trú tại quận Bình Thạnh) cho biết do lần đầu sử dụng nên chưa quen thao tác mở khóa xe. Cả nhóm đã nghe loại hình này từ trước nhưng đến nay mới có dịp cùng nhau đến trải nghiệm, khám phá.
Sau hơn một tháng thí điểm, dịch vụ xe đạp công cộng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có khoảng trên 62.000 khách đăng ký; tổng thời gian xe chạy hơn 63.000 giờ.
Theo ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trí Nam, khách sử dụng dịch vụ tập trung nhiều nhất là vào dịp cuối tuần, với phần lớn là giới trẻ, trong độ tuổi từ 18-40 tuổi.
Bước đầu, mô hình hoạt động khá ổn định và nhà đầu tư dự kiến đề xuất mở rộng dịch vụ qua một số khu vực khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như triển khai tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng.
Nhà đầu tư cũng cho biết trong thời gian thí điểm vừa qua, đã ghi nhận một trường hợp bị trộm xe, nhưng các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện.
Đó là trường hợp xảy ra vào đêm khuya, một người đàn ông đến trạm dừng ở đường Lý Tự Trọng nhưng không thuê mà lấy một xe đạp bỏ lên xe máy đưa đi. Người này chở xe đạp được khoảng 1km thì bị lực lượng công an tuần tra phát hiện, tạm giữ điều tra.
Thời điểm đó, đơn vị cũng nhận cảnh báo bởi xe di chuyển sai quy trình qua hệ thống định vị GPS.
Mô hình thí điểm này sẽ được triển khai trong 12 tháng. Giá vé giai đoạn thí điểm được tính theo thời gian, cụ thể 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút.
Để sử dụng, người dân tải ứng dụng TNGO trên App Store hoặc Google Play và đăng ký tài khoản bằng số điện thoại; chọn phương thức nạp tiền qua MoMo, Zalo Pay, VTC Pay. Sau đó, hành khách quét mã QR gắn trên xe để mở khóa và bắt đầu di chuyển.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, việc phát triển xe đạp công cộng theo hình thức xã hội hóa nhằm tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân đi lại và du khách tham quan khu vực trung tâm thành phố.
Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng xe buýt và các phương tiện công cộng trong tương lai theo hướng văn minh, hiện đại, hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trước đó, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết nếu mô hình thành công, thành phố sẽ xem xét triển khai mở rộng ở phạm vi lớn hơn, có thể là các địa bàn Quận 1, Quận 3, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm./.