“Hồn nhiên” ngoài đường

Giới trẻ: “Cộc lốc” ở nhà, “hồn nhiên” ngoài đường

"Kiệm lời" với người thân nhưng lại sỗ sàng, buông tuồng nơi công cộng là tình trạng không hiếm thấy ở nhiều bạn trẻ hiện nay.
Giao tiếp bằng ngôn ngữ không chỉ là cách truyền đạt thông tin giữa người với người mà còn là một phương diện để thể hiện văn hóa, đạo đức. Tuy nhiên ngày nay, cách giao tiếp này đang bị nhiều bạn trẻ coi thường xem nhẹ.

Thực trạng thanh thiếu niên nói năng cộc lốc, bất lịch sự đã không còn hiếm gặp tại nhiều nơi từ nông thôn cho tới các thành phố lớn.

Từ nhà…


“Con bé nhà tôi cứ về là chạy thẳng lên phòng, đóng kín cửa, chẳng chào hỏi gì bố mẹ cả, nói bao nhiêu lần rồi không sửa,”  đó là lời chia sẻ của bác Lê Thị Hoa (Cầu Giấy) về cô con gái đang học cấp 3 của mình. Đây cũng là chuyện không hiếm xảy ra trong nhiều gia đình hiện nay.

Có thể thấy, ngày càng nhiều người trẻ quên mất “đi hỏi về chào” - một trong những bài học đạo đức đầu tiên được dạy khi đến trường. Thậm chí khi gặp khách là người lớn tuổi họ cũng ít khi chào hỏi, có chăng chỉ “lí nhí” trong miệng một cách qua loa rồi “mất hút” vào phòng riêng.

Không chỉ là chuyện chào hỏi, ngay cả một lời mời trong bữa cơm cũng dường như rất khó khăn đối với một bộ phận giới trẻ. Nếu có thì đó chỉ là những câu nói cộc lốc, thiếu ngữ pháp, cấu trúc câu thì bị giản lược đến mức “tối đa.”

Giới trẻ hiện nay có rất nhiều phương tiện để phục vụ giao tiếp, đặc biệt là Internet và điện thoại di động. Tuy nhiên, việc lạm dụng các phương tiện hiện đại dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên mang cả "ngôn ngữ @” vào cuộc sống.

Bác Văn Hùng, 46 tuổi nói: “Con trai tôi đang học lớp 11. Nó suốt ngày ngồi chat, nhắn tin, chẳng biết giúp đỡ ai cả. Đã thế nói năng còn cộc lốc, nói chuyện với bố mẹ mà mắt vẫn chằm chằm vào cái điện thoại.”

Mải mê với “thế giới” riêng của mình, nhiều bạn trẻ dường như quên mất cách giao tiếp cơ bản nhất, cách thể hiện tình cảm qua lời nói đối với những người xung quanh. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh phát hoảng khi con cái mình về nhà không kịp chào ông bà, bố mẹ đã bật ngay máy tính lên “chat” với một “bố,” “mẹ,” “ông xã,” “bà xã” nào đấy trên mạng.

Ra đường…

Dễ nhận thấy, kỹ năng giao tiếp của những người trẻ tuổi ở những nơi công cộng đang rất đáng báo động. Họ nói chuyện với nhau vô tư, thậm chí còn thô lỗ như thể không có ai xung quanh. Bước vào quán ăn, cửa hàng, rạp chiếu phim… không khó bắt gặp hình ảnh nhiều nhóm bạn gái cười đùa, trêu ghẹo nhau ầm ĩ với những hành động chẳng giống ai.

Bạn Minh Phương, sinh viên năm thứ hai nói: “Nhiều lần tôi chứng kiến những bạn gái ăn mặc ‘thiếu vải,’ nói chuyện, văng tục ở ngay bến xe buýt. Mọi người xung quanh chỉ biết lắc đầu. Nói thật lúc đấy tôi thấy xấu hổ thay cho họ.”

Xã hội hiện đại là cơ hội để các bạn trẻ tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, nhiều bạn trẻ cho rằng phải nói năng mạnh bạo thì mới thể hiện được “phong cách phương Tây” mà không biết rằng, giao tiếp thiếu lịch sự là điều không được bất kỳ xã hội nào chấp nhận.

Một bộ phận không ít giới trẻ ngày nay có cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp thiếu tôn trọng những người xung quanh. Không ít trường hợp, người lớn tuổi phải lắc đầu ngao ngán trước một cô gái ăn mặc cầu kỳ nhưng lại thốt ra những ngôn từ không ai dám nghe hay “hồn nhiên” cười đùa, thậm chí là văng tục, chửi thề.

Bác Đỗ Văn Hưu (Thanh Xuân) kể: “Có lần ngồi uống nước tại một quán trà đá tôi bắt gặp mấy cậu thanh niên vừa hút thuốc lào, vừa chửi bới nhau, rồi lại phá lên cười. Tôi thật sự không thể hiểu được giới trẻ bây giờ!”

Giao tiếp nơi công cộng là kỹ năng sống quan trọng đối với mỗi người, là thước đo văn hóa trong mắt người khác. Việc cố gắng thể hiện cá tính bằng cách nói năng không giống ai chỉ làm xấu đi hình ảnh của mình trong mắt người khác.

Gần đây, báo chí đã phản ánh rất nhiều về vấn đề sử dụng ngôn ngữ giao tiếp thiếu văn hóa của giới trẻ, nhiều khóa học kỹ năng giao tiếp ứng xử cũng đã được tổ chức tại các trường học. Tuy nhiên, “lỗ hổng” văn hóa trong giao tiếp của thanh thiếu niên dường như vẫn là vấn đề bức xúc của nhiều gia đình nói riêng và của xã hội nói chung.

Đặt vấn đề hỏi về "sự ăn nói" của học sinh hiện nay, Phó giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng-Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận xét: "Giáo dục trẻ quan trọng nhất là ở gia đình và từ khi còn nhỏ. Mọi uốn nắn đều cần thực hiện từ khi trẻ còn thơ như các cụ ta đã răn 'dạy con từ thưở còn thơ' vì thế mà cha mẹ phải luôn là tấm gương cho con. Ở những gia đình có bạo hành, bố mẹ ăn nói thiếu mẫu mực thì con thường bị ảnh hưởng xấu. Bên cạnh đó, nhà trường cũng là nơi giáo dục quan trọng và hiệu quả. Nếu mỗi nhà giáo bên cạnh việc truyền đạt kiến thức đều có quan tâm đầy đủ về uốn nắn lời nói, thái độ cho học sinh thì tình hình sẽ dần được cải thiện."

Theo cô giáo Ngô Thị Khánh Hoa- Phó hiệu trưởng phụ trách Đức dục của một trường ở quận Đống Đa, Hà Nội: "Hầu hết mọi mâu thuẫn, mọi xô xát của học trò đều bắt nguồn từ những lời nói. Việc giáo dục cho các trò biết 'lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau' hơn bao giờ hết cần phải chú trọng."/.

Khánh Trang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục