Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) diễn ra từ 11-13/9 tại Hà Nội, ngày 11/9, ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thành viên Ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới và ông Santitarn Sathirathai, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế Tập đoàn SEA (Singapore) đã thông báo kết quả cuộc khảo sát đối với giới trẻ ASEAN về tác động của công nghệ tới việc làm.
Triển vọng việc làm và thu nhập
Theo khảo sát trên, giới trẻ ASEAN rất lạc quan về tác động của công nghệ tới khả năng tìm kiếm việc làm và cải thiện thu nhập. 52% trong số những người dưới độ tuổi 35 tại Đông Nam Á tin rằng công nghệ sẽ mở ra cơ hội việc làm mới; 67% tin rằng công nghệ sẽ giúp họ cải thiện thu nhập.
64.000 công dân ASEAN được khảo sát thông qua tài khoản Garena và Shopee, hệ thống trò chơi và giao dịch điện tử của SEA, hầu hết đến từ 6 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Philippines.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra mức độ lạc quan về tác động của công nghệ tới việc làm thay đổi theo từng quốc gia. Giới trẻ Singapore và Thái Lan tỏ ra bi quan hơn, trong khi giới trẻ Indonesia và Philippines tỏ ra lạc quan hơn.
Tại Singapore, chỉ có 31% số người thực hiện khảo sát tin tưởng rằng công nghệ sẽ mở ra những cơ hội việc làm mới, trong khi con số này là gấp đôi tại Philippines.
Kết quả cũng thay đổi theo trình độ học vấn, trong số những người không được tiếp cận giáo dục truyền thống, có tới 56% tin rằng sự phát triển của công nghệ sẽ mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm; con số này với những người đã tốt nghiệp đại học chỉ ở mức 47%.
Khảo sát cũng đưa ra câu hỏi với người thực hiện khảo sát về nơi họ đang làm việc ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Theo đó, 58% số người được hỏi đang làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ, hoặc là của họ, của gia đình, hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Cứ 4 người được hỏi có 1 người mong muốn được thành lập doanh nghiệp riêng của mình.
Tuy nhiên, nhiều người làm trong các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cho biết họ mong muốn được làm việc tại nơi khác. 17% số người được khảo sát đang làm việc đang trong các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nhưng chỉ có 7% cho biết sẽ tiếp tục công việc của mình trong tương lai.
Ngược lại, nhiều người bày tỏ mong muốn làm việc tại các tổ chức xuyên quốc gia có trụ sở tại nước ngoài (10% ở thời điểm hiện tại, 17% trong tương lai) và cho chính phủ (13% ở thời điểm hiện tại, 16% trong tương lai).
Kết quả này cũng cho thấy, mức độ ưu tiên trong việc ổn định thu nhập. Bên cạnh đó, kết quả trong một số quốc gia cho thấy tinh thần khởi nghiệp, ngay cả khi nó ẩn chứa nhiều rủi ro, vẫn gia tăng tại một số quốc gia.
Tại Thái Lan, 26% người trẻ làm việc tự do, con số này ở tương lai là 36%; trong khi ở Việt Nam, thông số này là 19% và 25%.
[WEF ASEAN 2018: Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội cho giới trẻ]
Ông Santitarn Sathirathai, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại SEA nhận định tỷ lệ 1 trên 4 người được hỏi mong muốn có doanh nghiệp của riêng mình, là đáng khích lệ. Tuy nhiên kết quả này cũng cho thấy, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực trong tương lai, khi chỉ có một phần nhỏ giới trẻ trong khu vực muốn làm việc trong những doanh nghiệp như vậy.
Về lâu dài, tăng cường áp dụng công nghệ số trong các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để đảm bảo các doanh nhân trẻ và doanh nghiệp nhỏ có đủ tài nguyên phát triển là rất quan trọng.
Khảo sát cho thấy, giới trẻ ASEAN dành trung bình 6 tiếng 4 phút mỗi ngày để sử dụng Internet, với 61% dùng để giải trí và 39% dùng để làm việc.
Trong số những quốc gia được khảo sát, giới trẻ Thái Lan đứng đầu về số thời gian online, với 7 tiếng 6 phút. Con số này tại Việt Nam, quốc gia thấp nhất trong danh sách, là 5 tiếng 10 phút.
Đánh giá cơ hội cho giới trẻ ASEAN
Chia sẻ lý do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện khảo sát đối với giới trẻ ASEAN và việc làm, ông Justin Wood cho rằng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động đến mọi quốc gia trên thế giới với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot tiên tiến, xe tự lái, blockchain, internet vạn vật... đang làm thay đổi mọi thứ từ các hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội.
Điều quan trọng là cần hiểu rõ những đột phá về mặt công nghệ này tác động như thế nào đến khu vực. Một trong những tác động lớn nhất Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, đó là về lĩnh vực việc làm.
Theo đó, khi nghiên cứu lịch sử, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp luôn tạo ra những tác động có tính chất đột phá về bản chất và loại hình công việc của con người. Với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã có những dấu hiệu đột phá khi những công nghệ mới được đưa ra trên phạm vi toàn cầu và gây ra những quan ngại nhất định.
Một số người lo ngại những công nghệ đó sẽ làm giảm số lượng việc làm hay tăng cơ hội này, hoặc có gia tăng bất bình đẳng hay không. Đây là những câu hỏi quan trọng đặt ra tại khu vực ASEAN, nơi có dân số trẻ và đang có mức tăng trưởng nhanh chóng, với 11.000 lao động mới mỗi ngày. Con số này sẽ tăng hơn nữa trong 15 năm tới.
Cũng theo ông Justin Wood, những công nghệ đột phá đang làm thay đổi bản chất công việc, các mô hình kinh doanh cũng như cấu trúc của nền kinh tế; không ai biết rõ tác động của những công nghệ này.
Tuy nhiên, các công việc cũ sẽ biến mất, công việc mới sẽ xuất hiện. Trong bối cảnh đó, cần có sự kết nối với giới trẻ ASEAN để đánh giá lực lượng này hiểu như thế nào về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư từ quan điểm triển vọng việc làm cũng như những cơ hội về thu nhập trong tương lai. Do đó, WEF đã phối hợp với SEA thực hiện khảo sát trên.
Đưa ra khuyến nghị để cải thiện năng suất lao động khi sử dụng internet, ông Santitarn Sathirathai cho rằng, mỗi cá nhân có sự khác biệt về việc dành thời gian cho công việc và giải trí. Mức độ này thay đổi theo trình độ, mức độ giáo dục. Cá nhân có trình độ giáo dục càng cao càng dành nhiều thời gian cho công việc.
Theo ông Santitarn Sathirathai, hiện không có quá nhiều người sử dụng giáo dục trực tuyến. Những người có trình độ giáo dục càng cao càng cho rằng giáo dục trực tuyến không ưu việt hơn giáo dục theo phương pháp bình thường. Tuy nhiên, nhiều người trình độ thấp hơn lại cho rằng giáo dục trực tuyến tốt hơn giáo dục truyền thống.
Đánh giá đây là một điểm thú vị, ông Sathirathai đặt giả thiết có thể do những người đã được giáo dục chính thống không tìm được giá trị gia tăng nhiều từ giáo dục trực tuyến.
Song những cá nhân không được giáo dục chính thống lại cho rằng giáo dục trực tuyến rất hữu ích, có khả năng thay thế cho giáo dục chính thống. Từ những nhận định này, ông Sathirathai cho rằng giáo dục trực tuyến có tiềm năng bao trùm hơn.
Trong tổng số khoảng 64 nghìn công dân ASEAN tham gia thực hiện khảo sát, Việt Nam có khoảng 10 -11 nghìn thanh niên, tương đương về số lượng người tham gia đến từ các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Về tương quan năng lực cạnh tranh, ông Justin Wood cho rằng Việt Nam có thế mạnh và nhiều cơ hội tốt, có số lượng dân số tương đối lớn muốn trở thành doanh nhân
Đa số các doanh nhân Việt được khảo sát cũng chia sẻ, sự phát triển công nghệ có tiềm năng hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ nhiều hơn là tạo ra những rào cản./.