Giới thiệu văn hóa truyền thống Nhật Bản qua các cổ vật

Chương trình trưng bày hiện vật lịch sử mang tên “Văn hóa Nhật Bản” sẽ kéo dài từ ngày 16/1-9/3/2014 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam
Giới thiệu văn hóa truyền thống Nhật Bản qua các cổ vật ảnh 1Hiện vật thuộc chủ đề Nghệ thuật Samurai (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống Nhật Bản sẽ được giới thiệu tới công chúng qua chương trình trưng bày hiện vật lịch sử mang tên “Văn hóa Nhật Bản” (kéo dài từ ngày 16/1-9/3/2014) tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (số 25 Tông Đản, Hà Nội).

Khoảng 70 hiện vật trưng bày lần này sẽ được phân loại theo các chủ đề: Đồ gốm cổ đại Nhật Bản, Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Nhật Bản, Nhật Bản với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông, Nghệ thuật Samurai…

Một số hiện vật tiêu biểu được coi là điểm nhấn trong chương trình trưng bày lần này là: Bình gốm thời kỳ Yayoi (thế kỷ 1-5), thanh kiếm kiểu Hyougo-gusari-tachi thời Kamakura (thế kỷ 13), mũ giáp kiểu Gusoku của gia tộc Samurai Kuroda thời Edo (thế kỷ 18)…

Cùng với đó, chương trình trưng bày cũng sẽ giới thiệu tới công chúng những hiện vật thể hiện lịch sử bang giao Việt Nam-Nhật Bản như: Quốc thư chính quyền Chúa Nguyễn gửi chính quyền Hideyoshi Nhật Bản để đặt quan hệ giao thương (niên hiệu Quang Hưng thứ 14, thời Lê Trung hưng, 1591); Châu Ấn rạng (giấy phép đóng dấu đỏ) do Mạc phủ Tokugawa cấp cho Châu Ấn Thuyền tới An Nam quốc (Đàng Trong) buôn bán vào thời kỳ Edo thế kỷ 17-18; tranh vẽ “Châu Ấn Thuyền Giao Chỉ độ hàng” (vẽ cảnh Châu Ấn thuyền tới An Nam quốc buôn bán vào thời kỳ Edo…

Các hiện vật này được lựa chọn từ những cổ vật đang lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Kyushu (Nhật Bản).

Đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho hay, trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, quan hệ giao lưu văn hóa, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển mạnh mẽ thông qua mậu dịch Châu Ấn Thuyền.

Chính quyền hai nước đương thời đã trao đổi những văn bản ngoại giao cấp quốc gia và có những chính sách khuyến khích mở rộng giao thương, buôn bán. Chúa Nguyễn cho phép các thương gia Nhật Bản lập phố Nhật ở Hội An để buôn bán.

Chương trình trưng bày “Văn hóa Nhật Bản” do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam phối hợp với Tổng cục Văn hóa Nhật Bản và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Kyushu thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục