Giới thiệu thành tựu của Việt Nam sau 30 năm đổi mới tại Na Uy

Tại hội thảo ở Na Uy, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã giới thiệu bằng tiếng Anh những thành tựu cơ bản của Việt Nam sau 30 năm đổi mới.
Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thiện Nhân giới thiệu những thành tựu của Việt Nam sau 30 năm đổi mới. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)

Chiều 9/6, tại thủ đô Oslo, trong khuôn khổ chuyến công tác tới Na Uy, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tham dự hội thảo "30 năm sau đổi mới: Thành tựu và triển vọng phát triển kinh tế và xã hội tại Việt Nam" do Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy và Viện Quan hệ quốc tế Na Uy phối hợp tổ chức.

Đây là một trong nhiều hoạt động được tổ chức tại Na Uy nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Na Uy (1971-2016).

Tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã giới thiệu bằng tiếng Anh những thành tựu cơ bản của Việt Nam sau 30 năm đổi mới, khẳng định Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất-kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển.

So với thời kỳ trước đổi mới, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, đạt ngưỡng thu nhập trung bình, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; đồng thời tạo ra nhu cầu và động lực phát triển cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã thực sự trở thành lực lượng quan trọng để thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, qua 30 năm đổi mới, tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường...

Bước vào giai đoạn 2016-2020, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, hội nhập toàn cầu và khu vực tạo ra cơ hội để mở rộng thị trường và thu hút đầu tư, thể chế kinh tế được hoàn thiện, doanh nghiệp trong nước phục hồi, niềm tin của thị trường được củng cố..., hứa hẹn mở ra triển vọng cho giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế phát triển bền vững.

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cũng đã giải đáp câu hỏi của những người tham dự hội thảo về nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, về mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc-Mỹ, về quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục