Ngày 9/12, tại Hà Nội, Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba và Trường Đại học Hà Nội tổ chức giới thiệu và quảng bá Từ điển Việt-Tây Ban Nha của Nhà báo, Dịch giả Vũ Văn Âu.
Đây là quyển Từ điển song ngữ Việt-Tây Ban Nha đầu tiên được biên soạn và in tại Việt Nam, khổ 16x24cm, dày 2.397 trang với trên 4 vạn mục từ.
Tại sự kiện, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba cho biết, ngay từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xác định tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ của đông đảo nhân dân các nước Mỹ Latinh - những người bạn luôn ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến và kiến quốc.
Trong bối cảnh ấy, những đoàn sinh viên Việt Nam đầu tiên đã được cử sang Cuba học tập ngôn ngữ này, trong đó có Nhà báo Vũ Văn Âu.
Đến nay, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha ngày càng được mở rộng và phát triển trên mọi lĩnh vực.
Để đáp ứng nhiệm vụ đối ngoại này, Nhà nước Việt Nam đã quyết định mở Khoa tiếng Tây Ban Nha cách đây 20 năm tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội). Chính vì vậy, tiếng Tây Ban Nha liên tục được đào tạo, phát triển như một ngoại ngữ ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Việc nhà báo, dịch giả Vũ Văn Âu biên soạn cuốn từ điển Việt-Tây Ban Nha gần 2.400 trang, với sự tham gia hiệu đính của các thầy cô giáo, chuyên gia tiếng Tây Ban Nha... rất có ý nghĩa.
[Đại từ điển Giáo khoa Séc-Việt giành Giải thưởng Từ điển của năm 2020]
"Ngôn ngữ luôn là nhịp cầu tri thức kết nối các nền văn hóa, các quốc gia, dân tộc. Đối với chúng ta, tiếng Tây Ban Nha còn là nhịp cầu hữu nghị kết nối nhân dân các nước Mỹ latinh, nhân dân Tây Ban Nha với nhân dân Việt Nam trong nỗ lực xây dựng một cuộc sống mới, một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Từng trang sách của gần 2.400 trang của cuốn từ điển này, trang nào cũng thấm đẫm mồ hôi, trí tuệ và nhiệt tình của Nhà báo Vũ Văn Âu và các cộng sự. Đây là một sản phẩm không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn. Trong tương lai, các thế hệ trẻ sử dụng tiếng Tây Ban Nha sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh cuốn từ điển này. Đây là viên gạch đầu tiên để xây dựng nên một nền khoa học tiếng Tây Ban Nha tại Việt Nam," Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo nói.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen gọi cuốn từ điển Việt-Tây Ban Nha là "viên ngọc quý" của người bạn, người anh em Việt Nam-Vũ Văn Âu, người đã ghi một dấu son vào lịch sử quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa Cuba-Việt Nam.
Theo Đại sứ, cuốn từ điển được ra mắt ngày hôm nay thể hiện sự đảm bảo đối ngoại và là cầu nối giữa thế giới nói tiếng Tây Ban Nha và Việt Nam, giúp thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và phục vụ truyền bá kiến thức lẫn nhau để hiểu nhau hơn.
Việc quảng bá tiếng Tây Ban Nha là cần thiết, không chỉ như một chiến lược ngôn ngữ đa ngành mà còn là một cơ hội hợp tác kinh tế, ngoại giao và du lịch.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính tại 21 quốc gia trên thế giới với khoảng 470 triệu người sử dụng, là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ hai trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook và Twitter.
Thông qua tiếng Tây Ban Nha, người học có thể tiếp thu các kiến thức liên quan đến văn hóa, kinh tế, chính trị, lịch sử... của 21 quốc gia sử dụng ngôn ngữ này.
Cuốn Từ điển Việt-Tây Ban Nha được ra mắt sẽ phát huy vai trò là tài liệu bổ trợ rất hữu ích cho hoạt động giảng dạy và học tập tiếng Tây Ban Nha, giúp Khoa tiếng Tây Ban Nha, Trường Đại học Hà Nội làm tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, truyền bá kiến thức thông qua ngoại ngữ.
Nhà báo Vũ Văn Âu (sinh năm 1933, quê ở Lệ Xá, Tiên Lữ, Hưng Yên) là một trong số 23 sinh viên Việt Nam đầu tiên được cử đi học ngôn ngữ Tây Ban Nha tại Cuba vào năm 1961.
Năm 1966, ông được phân công làm Trưởng phân xã đầu tiên của TTXVN tại La Habana (Cuba) liên tục đến năm 1973.
Tháng 5/1974, ông là Trưởng phòng đầu tiên của Phòng Biên tập tin tiếng Tây Ban Nha, sau đó làm Phó trưởng Ban biên tập tin Thế giới; Trưởng phân xã TTXVN tại La Habana nhiệm kỳ 1992-1996. Ông nghỉ hưu năm 1997./.