Giới thiệu những nghề truyền thống tại phố cổ Hà Nội

Chuỗi hoạt động giới thiệu nghề truyền thống nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa phố cổ Hà Nội, khai mạc chiều 26/7, tại đình Kim Ngân.
Chiều 26/7, tại đình Kim Ngân, quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa giới thiệu nghề truyền thống nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của phố cổ Hà Nội.

Chương trình diễn ra đồng thời tại đình Kim Ngân, số 42-44 Hàng Bạc; đình Đồng Lạc, số 38 Hàng Đào và Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây.

Tại đình Kim Ngân, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội trưng bày và giới thiệu sản phẩm mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Những rổ rá, túi xách, tranh, tượng, khung ảnh, khay đĩa, lọ hoa, chụp đèn… được đan khéo léo, thể hiện sự tinh xảo, tài hoa của những người thợ thủ công.

Công chúng còn tận mắt chứng kiến công đoạn đan mây tre ngay tại lễ khai mạc và giao lưu với những thợ thủ công làng nghề. Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, người đã gắn bó với nghề mây tre đan hơn 40 năm qua đồng thời đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế nói: "Làng nghề Phú Vinh được tham gia chuỗi hoạt động này là cơ hội để quảng bá sản phẩm truyền thống lan rộng hơn thông qua khách du lịch trong và ngoài nước. Thời gian tới, tôi tập trung đào tạo nghề, phối hợp với các tổ chức, cá nhân khác góp phần phát triển làng nghề gắn với du lịch."

Các sản phẩm thủ công truyền thống làng nghề Phú Vinh được sắp đặt một cách thẩm mỹ, phù hợp với không gian đậm chất văn hóa của đình Kim Ngân.

Tại đình Đồng Lạc, Ban Quản lý phố cổ giới thiệu nghề tiện và các sản phẩm của làng nghề Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Nội), phố nghề Tô Tịch (quận Hoàn Kiếm). Sản phẩm của cả làng nghề và phố nghề không chỉ có đồ thờ cúng, đồ dân dụng mà còn có cả đồ mỹ nghệ cao cấp với những chất liệu đang được ưa chuộng như: sừng, xương, cỏ trai, đá. Nguồn gốc của phố nghề Tố Tịch bắt nguồn từ làng nghề Nhị Khê khi trước, người dân Nhị Khê mang sản phẩm của mình lên phố Tố Tịch để bán, sau này hình thành cả một phố nghề tiện, chủ yếu là người làng Nhị Khê sinh sống, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại phố cổ.

Tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây giới thiệu nghệ thuật sơn mài. Các sản phẩm trưng bày ở đây được làm theo lối truyền thống và hiện đại. Bên cạnh đó, nghệ thuật sắp đặt, bài trí trong ngôi nhà cổ của người Hà Nội cũng được Ban Quản lý phố cổ thể hiện nhằm giới thiệu tính ứng dụng cao của nghệ thuật sơn mài đối với cuộc sống xưa và nay.

Phố cổ Hà Nội xưa kia là nơi tập trung nhiều nghề thủ công truyền thống. Người dân bốn phương đã mang các nghề từ làng quê mình ra Kinh đô lập nghiệp, sinh sống, dần hình thành nên các phố nghề. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, nghề truyền thống tại khu vực phố cổ đã mai một nhiều. Hoạt động giới thiệu nghề truyền thống nhằm gợi lại những nét văn hóa nghề của những con phố mang tên "Hàng" trong khu phố cổ Hà Nội.

Chuỗi sự kiện văn hóa diễn ra đến hết ngày 30/8 tới./.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục