Giới thiệu nghệ thuật cải lương đến công chúng Thủ đô và khán giả quốc tế

Theo chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vở cải lương-ca kịch “Cành khế ngọt” sẽ là một sản phẩm văn hóa phục vụ công chúng Thủ đô và khách quốc tế đến với phố cổ Hà Nội.

Tác phẩm cho thấy vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tác phẩm cho thấy vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa hoàn thành vở cải lương-ca kịch “Cành khế ngọt” nhằm giới thiệu một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đến với công chúng Thủ đô và khách quốc tế.

Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho hay vở diễn nằm trong dự án "Chương trình nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch" của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Tới đây, nhà hát sẽ hoàn thiện nội dung giới thiệu, phụ đề bằng tiếng Anh để phục vụ khán giả người nước ngoài.

Tác phẩm đưa người xem trở lại những năm đầu thế kỷ 20, khi người Việt Nam sống trong cảnh “một cổ hai tròng,” dưới hai tầng áp bức của chế độ phong kiến-thực dân.

cailuong3.jpg
Không gian trình diễn không có khoảng cách với hàng ghế khán giả. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vở diễn xoay quanh cuộc đời của Khế - thiếu nữ mới lớn, con gái của một gia đình tá điền. Bi kịch của Khế bắt đầu khi nàng rơi vào tầm ngắm của quản gia Quản Báu và cụ Cả Hoành – một điển hình về tầng lớp bóc lột ở nông thôn nửa đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, những tội ác, âm mưu đen tối, sự đểu cáng cả Quản Báu và Cả Hoành lại được che được che đậy rất kỹ dưới vỏ bọc của những bề trên bao dung, những việc làm tình nghĩa.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, vở diễn nhắc lại những ký ức đau buồn của quá khứ để thấy được giá trị đích thực của độc lập, tự chủ, hoà bình và ổn định xã hội hôm nay, từ đó phát huy tinh thần đại đoàn kết, hướng tới một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

“Việc đầu tư dàn dựng, công diễn vở ‘Cành khế ngọt’ cũng là dịp để Nhà hát Cải lương Việt Nam trình bày và định hướng phong cách nghệ thuật của mình, quảng bá những nét hay, nét đẹp của nghệ thuật cải lương Việt Nam – một loại hình nghệ thuật truyền thống, mang những đặc trưng của tự sự phương Đông nhưng kết hợp tài tình với nghệ thuật sân khấu phương Tây với mục đích tối cao là tiếp cận ngày càng nhiều hơn các tầng lớp khán giả trong nước và quốc tế, đặc biệt là khán giả trẻ nhằm bảo tồn và phát huy cao độ nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam,” ông Triệu Trung Kiên khẳng định.

cailuong2.jpg
Vở diễn do các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Việt Nam thể hiện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

So với nhiều vở cải lương thông thường, tác phẩm “Cành khế ngọt” có thời lượng ngắn hơn, phù hợp hơn với đối tượng khách du lịch. Địa điểm biểu diễn - Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật 22 Hàng Buồm mang đến một không gian nhiều mới lạ, độc đáo, khác hẳn các sân khấu truyền thống. Hàng ghế khán giả và khu vực trình diễn không có khoảng cách khiến cho nghệ sỹ và khán giả có dịp tương tác nhiều hơn… Đây là nét mới trong nghệ thuật sân khấu cải lương.

Có mặt trong buổi công diễn tác phẩm tối 30/12, anh Lee Sang Rae (Hàn Quốc) rất hứng thú theo dõi vở diễn. Dù không hiểu hết ý nghĩa các câu hát nhưng anh vẫn nắm được nội dung tác phẩm.

“Tôi thấy vở diễn có nhiều tình tiết bất ngờ, cốt truyện và phần âm nhạc rất hay. Cách bố trí ghế ngồi xen giữa không gian biểu diễn cũng rất thú vị, khiến cho khán giả có cảm giác đang được hòa mình vào tác phẩm,” khán giả Lee Sang Rae chia sẻ./.

Theo chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 12 nhà hát nghệ thuật biểu diễn trực thuộc Bộ sẽ sản xuất chuỗi chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh và nghệ thuật đương đại, nghệ thuật truyền thống gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch.

Mục đích là xây dựng các sản phẩm nghệ thuật gắn với tên tuổi và thương hiệu của các nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng thời hướng tới phục vụ khán giả đại chúng ở những điểm diễn công cộng, thu hút đông đảo mọi tầng lớp người dân Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước.

Vở diễn “Cành khế ngọt” do Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên viết kịch bản kiêm đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Trọng Đài sáng tác âm nhạc.

Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ tài năng của Nhà hát Cải lương Việt Nam như Nghệ sỹ Ưu tú Minh Lý, Việt Anh, Quách Xuân Thông, Ngọc Linh, Tuấn Thịnh, Minh Hải, Văn Đáng, Thu Hiền, Ngân Hà, Đinh Hương…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục