Hiện vật văn hóa Đông Sơn đến Malaysia

Giới thiệu hiện vật văn hóa Đông Sơn tại Malaysia

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Malaysia thực hiện chương trình trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn.”
Hiện vật trưng bày "Văn hóa Đông Sơn." (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho hay, đơn vị này đang phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Malaysia thực hiện chương trình trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn” tại Bảo tàng Quốc gia Malaysia (đường Jalan Damansara, thành phố Kuala Lumpur).

Thời gian trưng bày kéo dài từ nay đến hết ngày 5/5.

Khoảng 100 hiện vật tiêu biểu cùng nhiều hình ảnh và tài liệu khoa học bổ trợ sẽ được giới thiệu tới công chúng trong dịp này. Đó đều là các hiện vật, tài liệu đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Quốc gia Malaysia.

Chương trình trưng bày lần này tập trung vào năm nội dung cơ bản: Đặc trưng của Văn hóa Đông Sơn; Chức năng của Văn hóa Đông Sơn; Kỹ thuật chế tác đồ đồng Văn hóa Đông Sơn; Các sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn; Văn hóa Đông Sơn ở Malaysia.

Đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho hay, chương trình trưng bày là dịp giới thiệu, quảng bá tới khách tham quan Malaysia và du khách quốc tế về truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của Việt Nam.

Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn (1924-2014).

Văn hoá Đông Sơn được đặt tên theo di tích khảo cổ Đông Sơn tìm được năm 1924 tại làng cổ Đông Sơn ở ven sông Mã (nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa).

Đây là nền văn hoá thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, tồn tại khoảng gần một thiên niên kỷ (từ thế kỷ VIII trước Công nguyên đến thế kỷ thứ I sau Công nguyên).

Địa bàn phân bố của Văn hóa Đông Sơn về cơ bản trùng với khu vực miền Bắc Việt Nam hiện nay, kéo dài từ biên giới phía Bắc tới Đèo Ngang (giáp ranh Hà Tĩnh-Quảng Bình), tập trung chủ yếu tại lưu vực ba con sông lớn là sông Hồng, sông Mã và sông Lam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục