Giới thiệu Chiến lược quốc gia về đa đạng sinh học

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết Nhà nước đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.
Ngày 13/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo giới thiệu Chiến lược quốc gia về đa đạng sinh học và góp ý Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước.

Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ Ủy ban Nhân dân các tỉnh, các sở, ban, ngành thuộc các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; các viện, trường đại học, các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển thế giới; các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết Nhà nước đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh một số định hướng, chiến lược chính, nhiều Luật quan trọng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên đã được xây dựng và thông qua, trong đó, Luật Đa dạng sinh học được ban hành năm 2008 đã mở ra một bước ngoặt đối với công tác bảo tồn và quản lý thống nhất đa dạng sinh học tại Việt Nam theo xu hướng chung của thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, trong hai thập kỷ gần đây, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng cùng với sự gia tăng dân số đang tạo ra các nhu cầu lớn về tiêu thụ tài nguyên cũng như sử dụng đất. Bên cạnh đó, trong bối cảnh là một trong năm nước chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị suy thoái với tốc độ rất nhanh. Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần; số loài và cá thể của các loài hoang dã suy giảm mạnh.

Theo Sách Đỏ Việt Nam 2007, tổng số các loài động, thực vật hoang dã trong thiên nhiên đang bị đe dọa hiện nay là 882 loài (418 loài động vật, 464 loài thực vật), tăng 161 loài so với thời điểm 1992. Hiện có tới 9 loài động vật được xem là đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên tại Việt Nam như tê giác 2 sừng, heo vòi, cầy rái cá, bò xám, hươu sao; cá chép gốc, cá chình Nhật, lan hài Việt Nam...

Tại hội thảo, lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu những nét chính của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2013 cũng như Dự thảo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước.

Các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến vào Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước với các nội dung về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và phương án quy hoạch; số lượng khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học; phân bố, phân kỳ các đối tượng theo các vùng địa lý cũng như định hướng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục