Giới thiệu bộ sưu tập linh vật Việt Nam từ thời kỳ dựng nước

Khoảng 100 hiện vật tiêu biểu (có niên đại từ thời kỳ dựng nước đến thời nhà Nguyễn) về các loại linh vật sẽ được giới thiệu tới công chúng tại chương trình trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam.”
Giới thiệu bộ sưu tập linh vật Việt Nam từ thời kỳ dựng nước ảnh 1Chương trình trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam” sẽ kéo dài từ tháng 10/2015-2/2016. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: PV/Vietnam+)

Khoảng 100 hiện vật tiêu biểu về các loại linh vật sẽ được giới thiệu tới công chúng tại chương trình trưng bày chuyên đề “Linh vật Việt Nam.”

Sự kiện sẽ chính thức khai mạc vào sáng 28/10 và kéo dài đến tháng 2/2016 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Phạm Ngũ Lão, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Những hiện vật trưng bày có niên đại từ thời kỳ dựng nước đến thời nhà Nguyễn, được chia theo các nhóm: vật tổ trong văn hóa Đông Sơn, hình tượng rồng, hình tượng kỳ lân, hình tượng hạc, hình tượng uyên ương, sư tử-nghê, 12 con giáp...

Gương đúc nổi hình rồng (chất liệu đồng, thế kỷ 1-3), lá đề hình phượng (chất liệu đất nung, thời Lý), bộ tượng khỉ “Tam không” (chất liệu đá, thời Lý), cặp sư tử chầu (chất liệu gỗ, thời Nguyễn)... là những hiện vật tiêu biểu được trưng bày lần này.

Theo đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, linh vật (những con vật huyền thoại hoặc có thật được linh thiêng hóa) được con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo.

Giới thiệu bộ sưu tập linh vật Việt Nam từ thời kỳ dựng nước ảnh 2Hiện vật được giới thiệu tại chương trình trưng bày chuyên đề "Linh vật Việt Nam." (Ảnh: BTC)

“Linh vật không chỉ được mô tả trong thần thoại, truyền thuyết mà còn được biểu đạt bằng nghệ thuật tạo hình. Người xưa tin rằng, linh vật là hiện thân của các lực lượng tự nhiên hoặc mang những đặc tính huyền bí, năng lực siêu nhiên có thể chi phối nhân sinh, vũ trụ,” đại diện ban tổ chức cho biết.

Trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam, linh vật có nhiều loại khác nhau, do người Việt sáng tạo hoặc xuất hiện trong quá trình giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa bên ngoài.

Ngay từ buổi đầu hình thành nhà nước Văn Lang-Âu Lạc, cư dân Việt cổ - chủ nhân của văn hóa Đông Sơn (tồn tại trong thời gian từ thế kỷ 7 trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ 1-2 sau Công nguyên) đã định cư và liên kết vững chắc thành cộng đồng quốc gia-dân tộc. Lúc này, ý thức dân tộc đã nảy sinh và định hình. Cư dân Lạc Việt đã bắt đầu xây dựng huyền thoại về nguồn gốc dân tộc; chọn những con vật có sức mạnh và gắn bó trong đời sống (như cá sấu (giao long), hươu...) làm vật tổ.

Trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi linh vật vừa thể hiện bản sắc, truyền thống văn hóa chung của dân tộc vừa mang những đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ lịch sử./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục