Vừa qua, Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), Nhóm Vệ sinh và Nước sạch đã tổ chức họp định kỳ.
Cuộc họp có sự tham dự của các đại biểu đến từ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Tổng cục thống kê, các tổ chức quốc tế và các NGO bao gồm Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Quỹ nhi đồng liên hiệp quốc (Unicef), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Đông Tây hội ngộ (EMW), Hội chữ thập đỏ Việt Nam…
[Sống gần trạm cấp nước người dân vẫn thiếu nước sinh hoạt]
Cuộc họp được chủ trì bởi Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Liên Hương và Bà Nguyễn Thị Tuyết Hòa, Giám đốc văn phòng quan hệ đối tác cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn – Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn.
Cuộc họp định kỳ tập trung giới thiệu Bộ chỉ số phân tích và đánh giá toàn cầu về nước sạch và vệ sinh (GLAAS) nhằm lấy ý kiến đóng góp cho việc thực hiện thu thập các chỉ số mới cũng như những khó khăn thách thức khi thực hiện bộ chỉ số.
GLAAS là bộ chỉ số nhằm điều tra phân tích và đánh giá về nước sạch và vệ sinh toàn cầu của Liên hiệp quốc.
Cuộc điều tra được tiến hành toàn cầu hai năm một lần nhằm cập nhật các khung chính sách, thể chế, hệ thống theo dõi đánh giá, nguồn nhân lực và tài chính hỗ trợ cho ngành nước và vệ sinh.
Điều tra được thực hiện trên phạm vi đô thị và nông thôn với các lĩnh vực bao gồm: Cung cấp nước sạch đô thị và nông thôn; Chất lượng nước sạch; vệ sinh đô thị và nông thôn - bao gồm nhà tiêu, xử lý nước thải, xử lý phân bùn; Vệ sinh cá nhân, Nước sạch và vệ sinh trong cơ sở y tế; Nước sạch và vệ sinh trong trường học.
WHO là cơ quan đại diện UN water tổ chức hiện bộ chỉ số này với các bên tham gia bao gồm Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và môi trường và các đơn vị có liên quan khác.
Nước là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống của con người, gắn kết với mọi hoạt động hàng ngày từ nước uống, nước sinh hoạt đến nước thải. Làm thế nào để nhận biết, sử dụng và duy trì nguồn nước một cách an toàn để bảo vệ không chỉ sức khoẻ, cuộc sống của chúng ta mà còn để bảo vệ môi trường xung quanh.
Nước sạch nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng để thay đổi, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nhất là người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.
Theo các chuyên gia, thiếu tiếp cận với nước sạch và vệ sinh vẫn là một thách thức lớn ảnh hưởng đến trẻ em ở nông thôn Việt Nam. Nước sạch, nhà vệ sinh cơ bản và thực hành vệ sinh tốt là rất cần thiết cho sự sống còn và phát triển của trẻ em, nhưng nhiều người ở Việt Nam vẫn có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nước và vệ sinh.
Theo thống kê, mỗi ngày Việt Nam phát sinh khoảng 12 triệu tấn rác thải và dự đoán đến năm 2020 là 20 triệu tấn mỗi ngày. Trong đó có khoảng 2.500 tấn rác nhựa, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đánh giá: “Chúng ta đang trở nên quá lệ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần. Mỗi phút chúng ta mua 1 triệu chai nhựa. Mỗi năm, thế giới sử dụng 500 tỷ túi nilon, 50% vật dụng nhựa sử dụng loại dùng một lần, gần 1/3 số lượng túi nilon sử dụng không được thu gom và xử lý.
Chất nhựa đã có trong nguồn nước sinh hoạt và chứa một số hóa chất có thể gây độc và rối loạn hóoc-môn. Chất thải nhựa cũng là nam châm hút các chất độc khác như dioxin, kim loại và thuốc trừ sâu…”./.