Giới quan sát: Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 xen lẫn hy vọng và lo sợ

Một số nhà quan sát nhận thấy đây là cơ hội duy nhất để đạt tiến triển hướng tới xóa bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trong khi các nhà quan sát khác lo nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đưa ra thỏa thuận tồi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Yonhap, tuyên bố hồi tuần trước về cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kéo theo phản ứng xen lẫn từ giới quan sát.

Một số nhà quan sát nhận thấy đây là cơ hội duy nhất để đạt tiến triển hướng tới mục tiêu xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trong khi các nhà quan sát khác lo ngại nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đưa ra một thỏa thuận tồi.

Những người lạc quan khẳng định bất kỳ thỏa thuận phi hạt nhân hóa nào đều nằm chắc trong tay của các nhà lãnh đạo hàng đầu, có nghĩa rằng Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên phải gặp lại nhau để thúc đẩy tiến trình.

Ông Tom Collina, Giám đốc chính sách tại Quỹ Ploughshares, cho rằng: “Tôi tin rằng Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ gặp lại nhau. Dường như đây là cách duy nhất để đạt tiến triển. Cả hai bên cần nhất trí cùng tiến hành các bước đi tiếp theo."

Ông Robert Manning, chuyên gia từ Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét: “Trong kịch bản tốt nhất, cuộc gặp thượng đỉnh có thể phá vỡ thế bế tắc ngoại giao và khởi động tiến trình đàm phán cấp chuyên gia cấp cao gồm các bước đi thực tiễn gắn việc tiêu hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng với các biện pháp hướng tới một hiệp ước hòa bình và các lợi ích kinh tế."

Chuyên gia này cảnh báo, để đạt được mục đích này, hai bên cần thống nhất một lộ trình bao gồm định nghĩa chung về phi hạt nhân hóa và một bản kê khai đầy đủ về cơ sở hạt nhân và vật liệu phân hạch được của Triều Tiên.

[Tổng thống Mỹ hé lộ thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều]

Đồng quan điểm, chuyên gia Bruce Klingner nghiên cứu Đông Bắc Á tại Quỹ Di sản, cho rằng một tuyên bố như vậy là một trong những chủ đề mà Tổng thống Trump cần thúc đẩy trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với ông Kim Jong-un. Theo ông, Tổng thống Trump cần kiên định với các bước đi cụ thể nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên, đồng thời không nên nhượng bộ thêm nữa.

Tuy nhiên, ông Klingner dẫn ra mối lo ngại tại Seoul và Tokyo về việc Tổng thống Trump sẽ chấp nhận một thỏa thuận chỉ chứng kiến sự xóa bỏ các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ Triều Tiên, còn bỏ qua các tên lửa tầm ngắn hơn vẫn đe dọa hai đồng minh này của Mỹ.

Còn theo chuyên gia Manning, Mỹ đã đánh mất một ít lợi thế, khi Trung Quốc nới lỏng trừng phạt Triều Tiên và Bình Nhưỡng tìm kiếm các thỏa thuận của riêng nước này với Seoul, Bắc Kinh và Moskva.

Ông Manning nói: “Nếu ông Kim Jong-un đề nghị đóng băng hạt nhân và phi hạt nhân hóa từ từ đổi lấy một hiệp ước hòa bình cũng như chấm dứt liên minh Mỹ-Hàn và cái ô hạt nhân của Mỹ đối với Hàn Quốc, ông Trump có thể buộc phải chấp nhận và tuyên bố chiến thắng. Hy vọng đây là kịch bản tồi tệ nhất và sẽ không xảy ra”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục