Thông qua các kênh trung gian, ngày 6/4, Mỹ và Iran đã nhất trí thành lập hai nhóm chuyên viên nhằm đưa cả hai trở lại việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).
Trong cuộc họp có sự tham dự của các thành viên JCPOA hiện tại ở Vienna (gồm Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức), các bên đã nhất trí thành lập một nhóm chuyên viên tập trung vào lộ trình đưa Mỹ trở lại thỏa thuận thông qua việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đã áp đặt hoặc được tái triển khai sau khi cựu Tổng thống Donald J. Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hồi tháng 5/2018.
Nhóm chuyên viên còn lại sẽ tập trung vào việc làm thế nào để Iran tuân thủ trở lại các điều khoản được nêu trong thỏa thuận về giới hạn việc làm giàu hạt nhân và dự trữ urani đã được làm giàu.
Đại diện của Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna Mikhail Ulyanov đánh giá cuộc họp ngày 6/4 của ủy ban chung về thỏa thuận Iran là một thành công bước đầu.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Moskva cũng cảnh báo việc khôi phục thỏa thuận sẽ khó có thể diễn ra trong "một sớm, một chiều" và khó có thể dự báo thời điểm đạt được điều này.
[Mỹ đánh giá đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran diễn ra tích cực]
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ tham gia trở lại JCPOA. Điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ khoảng 1.600 lệnh trừng phạt từng được Washington tái triển khai sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định mà ông cho là không hiệu quả, đồng thời gây sức ép buộc Iran đàm phán lại thỏa thuận thông qua áp lực kinh tế.
Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA không thể đảm bảo các lợi ích kinh tế mà Iran đáng ra phải nhận được theo thỏa thuận.
Về phần mình, Iran tuyên bố hoàn toàn có thể nhanh chóng quay trở lại việc tuân thủ thỏa thuận, song khẳng định muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước. Trong khi đó, Washington lại đặt điều kiện tiên quyết là Tehran tôn trọng các cam kết đã đưa ra.
Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng việc thành lập hai nhóm chuyên viên này là nhằm tạo lộ trình đồng bộ để đưa Mỹ và Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận.
Trên thực tế, trong bối cảnh tân chính quyền Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức về chính sách đối ngoại, sau những rối loạn dưới thời cựu Tổng thống Trump, đây là cuộc khủng hoảng mà chính quyền Biden có thể dễ tìm thấy giải pháp nhất.
Đối với các chính khách ôn hòa tại Iran, đây có thể cũng là cơ hội thực sự cuối cùng để đưa ra những đề xuất rộng rãi về cơ hội tương tác tốt hơn với thế giới phương Tây.
Dù Iran đã bắt đầu tìm được cách chống đỡ các lệnh trừng phạt, hoặc ít nhất là vật lộn được với những sức ép này, song rõ ràng nếu Mỹ nới lỏng các đòn trừng phạt kinh tế, chắc chắn nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ giảm thiểu được những thiệt hại và khó khăn.
Hiện lực lượng ôn hòa tại Iran cũng không còn nhiều thời gian do phải đối mặt với một quốc hội cứng rắn hơn và một cuộc bầu cử tổng thống trong những tháng tới có thể sẽ định hình Tehran theo hướng tiếp cận gay gắt hơn chống lại phương Tây.
Chính vì vậy, những cam kết quan trọng của JCPOA cần được xem xét lại được cho là sẽ khích lệ tinh thần cử tri theo hướng có lợi cho những người ôn hòa.
Giới phân tích khẳng định cuộc gặp tại Vienna chưa thể dẫn đến việc nhanh chóng gia hạn JCPOA ngay trong tuần này và cũng có thể không bao giờ dẫn đến thỏa thuận "JCPOA+" rộng hơn như Tổng thống Biden mong muốn.
Những gì diễn ra cũng có thể chưa đủ giải cứu nền kinh tế Iran trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, song chắc chắc cuộc gặp này đã mở ra con đường thực sự duy nhất để hai bên tiến về phía trước./.