Mặc dù giá vàng trong nước và thế giới vừa ghi nhận một tuần giảm khá mạnh nhưng giới phân tích vẫn lạc quan nhận định kim loại quý này sẽ vẫn hưởng lợi trong dài hạn.
Giá vàng trong nước tuột mốc 49 triệu đồng/lượng
Trong phiên giao dịch đầu tuần, căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cùng với những quan ngại về nguy cơ đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh tại Mỹ đã khiến giá vàng thế giới đi lên.
Giá vàng trong nước cũng tăng tới gần 200.000 đồng/lượng ở phiên này và đã vượt mốc 49 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, giá kim loại quý trong nước lại đảo chiều tuột khỏi mốc 49 triệu đồng/lượng trong hai phiên giao dịch liền sau đó.
Giá vàng thế giới giảm trong hai phiên này giữa bối cảnh xu hướng đầu tư vào các tài sản rủi ro lại gia tăng nhờ hy vọng vào sự phục hồi nhanh hơn của nền kinh tế toàn cầu sau những tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, khiến giới đầu tư phớt lờ tình trạng bất ổn đang diễn ra tại Mỹ.
Sau khi bật tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 4/6, giá vàng lại đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần này khi dữ liệu việc làm tốt hơn nhiều so với dự báo tại Mỹ, mang lại hy vọng nền kinh tế đang dần hồi phục, do đó nhu cầu đối với tài sản an toàn như vàng cũng giảm. Giá vàng trong nước theo đó cũng giảm ở những phiên cuối tuần.
Sáng nay (7/6), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 48,25-48,65 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được giao dịch mua vào-bán ra ở mức 48,34-48,54 triệu đồng/lượng.
Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp vàng trong nước đã điều chỉnh giảm khoảng 300.000 đồng mỗi lượng.
Vàng vẫn hưởng lợi trong dài hạn
Giá vàng kỳ hạn giảm 2,6% trong tuần này, ghi dấu tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 13/3.
Chiến lược gia về tiền tệ Ilya Spivak tại DailyFx cho biết tâm lý lạc quan về khả năng nền kinh tế phục hồi khi các biện pháp phong tỏa đã được nới lỏng thời gian gần đây, qua đó làm giảm nhu cầu đối với tài sản an toàn là vàng, khiến giá kim loại quý trong tuần này giảm.
Bart Melek, Trưởng bộ phận hàng hóa tại TD Securities, nhận định rằng số liệu việc làm cực kỳ tốt của Mỹ trong tháng 5/2020 - tăng 2,5 triệu việc làm so với dự kiến giảm 7,5 triệu việc làm - đã khiến cho mọi người kỳ vọng vào sự phục hồi tích cực của nền kinh tế số một thế giới.
Ông Melek nói thêm giá vàng cũng đang chịu sức ép từ việc lợi tức trái phiếu tăng và đồng USD cũng đã ổn định đôi chút, nghĩa là chi phí cơ hội nắm giữ vàng trong danh mục đầu tư đã gia tăng.
[Vàng chứng kiến tuần giảm giá sâu nhất trong gần ba tháng]
Dữ liệu việc làm được công bố trước thềm cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Cục Dữ trự Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.
Fed đã bơm một lượng tiền lớn vào thị trường nhằm kích thích đà phục hồi kinh tế, đồng thời cắt giảm lãi suất về gần mốc 0% trong nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Rhona O’Connell - chuyên gia phân tích của INTL FCStone - cho rằng những bất ổn về kinh tế, căng thẳng thương mại và nhiều vấn đề vẫn còn tồn đọng tại Mỹ chắc chắn vẫn có lợi cho giá vàng trong dài hạn./.