Giới ngân hàng lạc quan hơn về kinh tế Mỹ dù thận trọng về triển vọng toàn cầu

Các ngân hàng cho rằng kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất trong năm 2024 là cơ sở để dự báo khởi sắc hơn cho kinh tế Mỹ.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ tác động tích cực đến những tài sản có nhiều rủi ro hơn như đồng USD, cổ phiếu và trái phiếu Chính phủ Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các ngân hàng lớn dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 sẽ có thể chậm lại.

Tuy nhiên, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng làm sáng triển vọng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới lẫn nhóm tài sản có nhiều rủi ro như chứng khoán.

Đây là nhận định chung của nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như Goldman Sachs (Mỹ), Barclays (Anh) hay Deutsche Bank (Đức).

Các ngân hàng như Goldman Sachs, Barclays và công ty tư vấn quản lý tài sản UBS Global Wealth Management đều dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2024. J.P.Morgan thận trọng hơn khi đưa ra dự báo 2,2%.

Morgan Stanley (Mỹ) và bộ phận nghiên cứu thị trường của ngân hàng Bank of America đều đưa ra con số dự báo cao hơn là 2,8%. Mức dự đoán thấp nhất do Citigroup (Mỹ) đưa ra là 1,9%.

Goldman Sachs, Barclays và công ty tư vấn quản lý tài sản UBS Global Wealth Management đều dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2024. J.P.Morgan thận trọng hơn khi đưa ra dự báo 2,2%.

Phân theo từng quốc gia và khu vực, Goldman Sachs dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2024 là 2,3% còn với Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 4,8% và 6,3%. Tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) được dự đoán sẽ đạt 0,9%.

Trong khi đó, Citigroup đưa ra những dự báo ở mức thấp nhất, với tăng trưởng kinh tế Mỹ chỉ ở mức 1,1%, với Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 4,6% và 5,7%.

Cũng theo Citigroup, tăng trưởng kinh tế của Eurozone và của Vương quốc Anh trong năm 2024 có thể sẽ lần lượt là - 0,2% và - 0,3%.

Lý giải cho những dự đoán trên, các ngân hàng cho rằng kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất trong năm 2024 là cơ sở để dự báo khởi sắc hơn cho kinh tế Mỹ.

Cùng với đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ tác động tích cực đến những tài sản có nhiều rủi ro hơn như đồng USD, cổ phiếu và trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vẫn duy trì chính sách lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Điều này làm lu mờ triển vọng tăng trưởng kinh tế đối với Eurozone và Anh.

Trước đó, người phát ngôn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Julie Kozack ngày 11/1 nhận định kinh tế toàn cầu có thể "hạ cánh mềm," khi lạm phát tiếp tục giảm mà không gây suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Theo bà Kozack, kinh tế toàn cầu trong năm ngoái đã cho thấy sự kiên cường hơn dự kiến. Các dự báo suy thoái đối với nhiều khu vực đã không diễn ra.

IMF nhận định xu hướng đó sẽ tiếp tục trong năm nay. Nhưng việc tốc độ tăng trưởng gần đây và trong trung hạn đạt khoảng 3% là thấp hơn so mới mức trung bình 3,8% trước đại dịch.

Theo bà Kozack, IMF góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của toàn cầu, đặc biệt là trong trung hạn, với các chính sách và cải cách để nâng cao năng suất.

Hồi tháng 10/2023, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3% trong năm 2023, tăng nhẹ so với dự báo trước đó, trước khi giảm xuống 2,9% vào năm 2024.

Dự báo tăng trưởng của IMF là thấp, cho thấy những thách thức mà kinh tế toàn cầu đối mặt khi tiếp tục phục hồi sau khi đại dịch gây ra những thiệt hại kinh tế đối với nhiều nước.

Một trong những thách thức của kinh tế toàn cầu là đà phục hồi không đồng đều. Các nước thu nhập thấp có nguy cơ tụt lại phía sau.

Kinh tế thế giới đang trong thời điểm khó khăn nhất trong quá trình phục hồi sau một loạt các cú sốc như đại dịch, cú sốc về giá lương thực và dầu mỏ.

IMF đang tập trung vào giải pháp giúp những nước thành viên dễ tổn thương nhất. IMF sẽ cập nhật báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vào ngày 30/1 tới.

Về phần mình, trong báo cáo Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng 2024 công bố ngày 4/1, Liên hợp quốc đã đưa ra dự báo ảm đạm về kinh tế toàn cầu năm nay, do những thách thức như xung đột leo thang, thương mại toàn cầu yếu, lãi suất cao và các thảm họa khí hậu gia tăng.

Liên hợp quốc dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng ước tính vượt dự báo 2,7% trong năm ngoái.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng của cả hai năm đều dưới 3%, mức trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.

Liên hợp quốc cảnh báo khả năng các điều kiện tín dụng thắt chặt trong thời gian dài và lãi suất tăng là những trở ngại lớn đối với kinh tế thế giới khi đang mắc nợ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển nghèo hơn, và cần đầu tư để phục hồi tăng trưởng.

Giám đốc Bộ phận chính sách và phân tích kinh tế của Liên hợp quốc, Shantanu Mukherjee, nói những lo ngại về nguy cơ suy thoái năm 2023 đã được ngăn chặn chủ yếu nhờ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, kiểm soát được lạm phát mà không làm giảm tốc tăng trưởng.

Tuy nhiên, ông Mukherjee cho rằng kinh tế toàn cầu chưa ra khỏi vùng nguy hiểm, khi lãi suất rất cao trong thời gian dài và có nguy cơ về các cú sốc giá cả.

Ông cho rằng một cú sốc nguồn cung có thể đưa đến việc tăng lãi suất để đưa lạm phát vào tầm kiểm soát.

Theo báo cáo, lạm phát trên toàn cầu ở mức 8,1% trong năm 2022 ước giảm xuống 5,7% trong năm 2023 và 3,9% trong năm 2024. Tuy nhiên, ở khoảng 1/4 số quốc gia đang phát triển, lạm phát được cho là ở mức trên 10% trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục