Giới kinh doanh lạc quan vào triển vọng kinh tế Đức

Các số liệu vừa được công bố cho thấy các doanh nghiệp Đức ngày càng lạc quan hơn vào tương lai của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Các số liệu vừa được công bố đầu tuần này cho thấy các doanh nghiệp Đức ngày càng tin và lạc quan hơn vào tương lai của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này, qua đó làm tăng thêm hy vọng rằng tình trạng suy thoái của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có thể gần đến hồi kết.

Theo Viện kinh tế Ifo (Đức), chỉ số lòng tin kinh doanh trong tháng 6/2013 tăng lên 105,9 điểm, so với 105,7 điểm trong tháng 5/2013.

Nhà kinh tế Kai Carstensen của Ifo nhấn mạnh, mặc dù đánh giá về tình hình kinh doanh hiện nay kém tích cực hơn đôi chút, nhưng các doanh nghiệp ngày càng lạc quan vào triển vọng kinh doanh trong tương lai.

Chỉ số lòng tin kinh doanh của Ifo được tính toán dựa trên đánh giá của các công ty về tình hình kinh doanh hiện nay cũng như triển vọng trong sáu tháng tới. Theo đó, chỉ số biểu thị lòng tin vào tình hình kinh doanh hiện nay giảm 0,6 điểm so với tháng 5/2013 xuống 109,4 điểm trong tháng 6/2013, trong khi chỉ số biểu thị lòng tin vào triển vọng kinh doanh tăng 0,9 điểm lên 102,5 điểm.

Trong khi đó, theo viện kinh tế ZEW (Đức), chỉ số lòng tin của các nhà đầu tư nước này trong tháng 6/2013 tăng 2,1 điểm lên 38,5 điểm, khả quan hơn dự báo của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Dow Jones Newswires. Chỉ số này cho thấy giới đầu tư đang đặt niềm tin vào sự dần phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong nửa cuối năm 2013.

Lòng tin của giới kinh doanh vào kinh tế Đức gia tăng cùng với lòng tin người tiêu dùng trong Eurozone cải thiện và triển vọng hoạt động kinh doanh của lĩnh vực tư nhân khả quan hơn là những tin tức đáng mừng cho Eurozone trong thời gian gần đây. Nó cũng gửi đi thông điệp mạnh mẽ hơn cho các thị trường tài chính rằng các công ty Đức có thể đối phó với sức ép bất lợi từ sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ năm của các công ty Đức. Các số liệu kinh tế không mấy tích cực về kinh tế Trung Quốc trong những tháng gần đây đã làm dấy lên mối quan ngại về tác động tiêu cực đối với xuất khẩu của Đức.

Tuy nhiên, chuyên gia Christian Schulz thuộc ngân hàng Berenberg Bank tin tưởng kinh tế Đức đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế ở Eurozone, nhất là tại Italy và Cộng hòa Síp, dịu lại, người ta đánh giá kinh tế Đức sẽ tiếp tục phục hồi lành mạnh.

Trong ba tháng đầu năm nay, GDP của Đức chỉ tăng trưởng 0,1%, sau khi rớt xuống ngưỡng tăng trưởng âm trong quý cuối năm 2012, song giới kinh tế nhận định nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ lấy lại được đà tăng trưởng trong năm 2013 và thậm chí thách thức cả các mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế xuất hiện trong thời gian gần đây.

Tại Đức, nhu cầu trong nước năm 2013 dự đoán vẫn vững, nhờ lạm phát và lãi suất thấp trong khi lương tăng lên. Tuy nhiên, những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế này lại đến từ bên ngoài: đó là sự tăng trưởng trì trệ và suy giảm của các đối tác thương mại trong Eurozone, nhất là Pháp, và khả năng "hạ cánh cứng" của kinh tế Trung Quốc./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục