Không hề có sự suy giảm tốc độ của tình trạng ấm lên toàn cầu từ năm 1998 đến năm 2014.
Một nghiên cứu hợp tác giữa giới khoa học Mỹ và Anh công bố ngày 4/1 khẳng định lại những phát hiện gây tranh cãi gần đây của Mỹ về tốc độ tăng nền nhiệt tại các đại dương.
Các nhà khoa học thuộc Đại học California (Mỹ) và Đại học York (Anh), chứng thực các kết quả trong báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ đăng tải trên tạp chí Science Advance hồi năm 2015 cho hay các phao đại dương được sử dụng để đo nhiệt độ nước biển có xu hướng ghi lại mức nhiệt thấp hơn so với hệ thống đo lường cũ được đặt trên tàu.
Các nhà khoa học NOAA kết luận việc chuyển đổi phương pháp đo lường đã khiến tốc độ nóng lên của thế giới trong giai đoạn 1998-2014 bị phản ánh thiếu chính xác.
Báo cáo của NOAA đã vấp phải chỉ trích từ các nhà khoa học vốn khẳng định từng có một "giai đoạn gián đoạn trong hiện tượng nóng lên toàn cầu" cũng như của một số nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là trò lừa bịp.
Hạ viện Mỹ đã yêu cầu các nhà khoa học NOAA cung cấp các bức thư điện tử (email) trao đổi nội bộ liên quan tới nghiên cứu trên. Cơ quan này đã đồng ý chuyển giao một số dữ liệu và trả lời các thắc mắc chuyên ngành song từ chối cung cấp email của các tác giả nghiên cứu.
Hồi tháng 9/2013, Ủy ban quốc tế về biến đổi khí hậu công bố báo cáo cho hay tốc độ ấm lên trên toàn cầu trung bình giai đoạn 1951-2012 là 0,12 độ C mỗi thập kỷ. Nhưng giữa năm 1998 và 2012, tốc độ này giảm xuống còn 0,07 độ C mỗi thập kỷ, phản ánh "sự gián đoạn trong tình trạng ấm lên toàn cầu."
Tuy nhiên, phân tích mới nhất của NOAA vào năm 2015 sau khi điều chỉnh để khắc phục thiếu sót trên cho thấy không có sự giảm tốc nào và các đại dương thực tế đã tăng 0,12 độ C mỗi thập kỷ kể từ năm 2000.
Nghiên cứu mới sử dụng dữ liệu độc lập từ vệ tinh và các phao Argo, một hệ thống định vị và thu thập dữ liệu dựa trên vệ tinh trên toàn thế giới./.