Giới khoa học Mỹ hợp lực "giải mã" hội chứng COVID kéo dài

Trên toàn cầu, ước tính hơn 150 triệu người bị COVID kéo dài, tuy nhiên, đến nay nguyên nhân dẫn đến hội chứng này vẫn chưa được hiểu rõ.
Giới khoa học Mỹ hợp lực "giải mã" hội chứng COVID kéo dài ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà khoa học từ các trung tâm học thuật hàng đầu nước Mỹ đang tập hợp lại để tìm lời giải cho băn khoăn về nguyên nhân của hội chứng COVID kéo dài (Long COVID), đó là liệu các phần tử virus SARS-CoV-2 có tồn tại dai dẳng trong mô của một số bệnh nhân hay không.

Nỗ lực trên, được gọi là "Sáng kiến nghiên cứu về COVID kéo dài" nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tiến độ nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng các phương pháp điều trị tiềm năng.

Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ có thể khám phá ra bản chất của bệnh COVID-19 và sử dụng dữ liệu này để xem xét thử nghiệm phương pháp điều trị.

"Sáng kiến nghiên cứu về COVID kéo dài" được quỹ đầu tư phát triển khoa học Balvi tài trợ với số tiền ban đầu 15 triệu USD. Tham gia có các nhà khoa học hàng đầu tại Đại học Harvard, Đại học Stanford, Đại học California, Đại học San Francisco, Đại học Yale và Viện nghiên cứu J. Craig Venter.

Hội chứng COVID kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng kể từ lần đầu mắc COVID-19, khiến nhiều người không thể trở lại làm việc. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, gần 20% số người trưởng thành ở nước này có các triệu chứng COVID kéo dài.

Trên toàn cầu, ước tính hơn 150 triệu người bị COVID kéo dài. Tuy nhiên, đến nay nguyên nhân dẫn đến hội chứng này vẫn chưa được hiểu rõ.

Tiến sỹ Amy Proal thuộc tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận PolyBio cho rằng điều đầu tiên cần xác định là liệu trong cơ thể những người bị COVID kéo dài có còn virus SARS-CoV-2 hay không. Hiện chưa có phương pháp điều trị nào được chứng minh hiệu quả cho hội chứng COVID kéo dài.

Tiến sỹ Proal cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự hiện diện của SARS-CoV-2 trong các mô tiếp tục kích thích phản ứng của hệ miễn dịch. Điều này có thể giúp giải thích tại sao nhiều người sau khi khỏi COVID-19 vẫn có 1 hoặc nhiều triệu chứng trong số hơn 200 triệu chứng liên quan đến COVID kéo dài như đau mỏi người, sốt, nhức đầu, suy giảm nhận thức, khó thở...

Các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng các kỹ thuật hình ảnh và giải trình tự gene tân tiến để tìm kiếm bằng chứng về sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 trong các mô và phân tích ảnh hưởng đối với hệ thống miễn dịch.

Nếu sự tồn tại của virus được chứng minh là gây ra hội chứng COVID kéo dài, các nhà khoa học sẽ tiến hành thử nghiệm các phương pháp điều trị kháng virus như thuốc Paxlovid của hãng dược phẩm Pfizer.

Một số nghiên cứu đã cho thấy Paxlovid giúp cải thiện các triệu chứng ở một số người bị COVID kéo dài. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng vẫn cần những cuộc thử nghiệm quy mô lớn và được thiết kế tốt để nghiên cứu sâu hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục