Giới khoa học Mỹ báo động về nước biển dâng cao

Báo cáo của một nhóm chuyên gia cho biết mực nước đại dương dọc hai bờ biển của Mỹ có chiều hướng dâng cao hơn nhiều nơi khác.
Cả hai công trình nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học đều lên tiếng cảnh báo về tình trạng mực nước các đại đương đang ngày càng dâng cao với tốc độ khá nhanh, đe dọa các bang của Mỹ nằm dọc cả hai bờ Thái Bình Dương ở phía Tây và Đại Tây Dương ở phía Đông.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo của một nhóm các chuyên gia do Giáo sư Robert Dalrymple, trường Đại học Johns Hopkins làm chủ biên, công bố ngày 26/6, cho biết mực nước đại dương dọc hai bờ biển của Mỹ có chiều hướng dâng cao hơn nhiều nơi khác trên thế giới.

Cụ thể, đến năm 2100 mực nước dọc bờ biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương của Mỹ có thể dâng cao khoảng 1 mét, cao hơn nhiều so với mức dự báo trước đây của nhóm liên bộ ngành của chính phủ về thay đổi khí hậu. Sự tan chảy của các núi băng và các dòng sông băng góp tới 65% vào sự dâng cao của mực nước biển.

Dọc bờ biển phía Tây, California được xác định là bang có thể bị ảnh hưởng nặng nhất do mực nước biển dâng cao.

California cùng hai bang khác cũng nằm bên bờ Thái Bình Dương là Oregan và Washington đã chính thức đề nghị Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ (NRC) có những đánh giá cụ thể về những tác động có thể có của mực nước biển dâng cao đối với các bang này.

Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu từ năm 2007 đến nay, Giáo sư Dalrymple cho biết hai tác động hiện hữu nhất khi nước biển dâng cao đó là nguy cơ nó sẽ nhấn chìm các thành phố ở các vùng đất trũng. Do mực nước biển dâng cao, giông bão sẽ đổ bộ sâu hơn vào đất liền, gây ra những thiệt hại lớn hơn.

Cụ thể, theo bản báo cáo, chỉ trong vòng vài thập kỷ nữa, sân bay quốc tế San Francisco ở bang California sẽ thấp hơn mực nước biển tới 0,4 mét. Một vụ động đất với cường độ mạnh cũng có thể khiến cho mực nước biển dâng cao nhanh chóng.

Tại bờ biển phía Đông, báo cáo công bố cùng ngày của Cơ quan điều tra địa chất Mỹ (USGS) cho biết cái mà các nhà khoa học gọi là “vùng đất nóng” (hotspot) trải dài 1.000 km dọc bờ biển Đại Tây Dương, từ bang Massachusetts ở phía Bắc tới bang Carolina Bắc ở phía Nam cũng đang trong tình trạng báo động về mực nước biển dâng cao.

Nhà đại dương học và là tác giả chính của bản báo cáo, ông Asbury Sallenger cho biết trong vòng 60 năm qua, mực nước biển trong phạm vi vùng đất nóng này mỗi năm đã tăng từ 2 đến 3,7 milimét, gấp từ ba đến bốn lần dự báo trước đây./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục