Giới khoa học: Khó chặn dịch Ebola nếu không phát triển vắcxin

Dịch bệnh Ebola sẽ khó có thể khống chế nếu thế giới không phát triển được một loại vắcxin chống lại chủng virus nguy hiểm này.
Nhân viên y tế Venezuela tham gia diễn tập với tình huống giả định là nhiều người có những triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola tại sân bay quốc tế Simon Bolivar ở Maiquetia. (Nguồn: THX/TTXVN)

Dịch bệnh Ebola, đang có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát tại 3 nước khu vực Tây Phi và đang đe dọa trực tiếp 15 nước khác, sẽ khó có thể khống chế nếu thế giới không phát triển được một loại vắcxin chống lại chủng virus nguy hiểm này.

Đây là cảnh báo của giáo sư Peter Piot, một trong những nhà khoa học đã phát hiện ra virus Ebola lần đầu tiên từ năm 1976.

Giáo sư Peter Piot, Giám đốc Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh London, cho rằng dịch Ebola có thể đã được kiểm soát nếu Liên hợp quốc hành động mau lẹ hơn trước đó, khi dịch mới chỉ khoanh vùng ở Sierra Leone, Liberia và Guinea, đồng nghĩa với việc cách ly, chăm sóc bệnh nhân và giám sát tiếp xúc có thể mang lại hiệu quả khống chế dịch.

Theo giáo sư Piot, ở mức độ dịch Ebola như hiện nay, chỉ có vắcxin mới có thể giúp dập tắt dịch.

Ông cũng cảnh báo nếu dịch Ebola không được chặn đứng ở 3 nước nói trên, chắc chắn nó sẽ lây lan sang các nước lân cận như Côte d'Ivoire, Guinea Bissau và Mali, thậm chí nhiều nước phát triển khác.

Hiện có 3 vắcxin đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng đối với những người tình nguyện ở Anh, Mỹ và Mali.

Kết quả thử nghiệm sẽ có vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 và nếu được chấp nhận, có thể các nhân viên y tế - những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất - sẽ được dùng vắcxin trước Giáng sinh năm nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, sau cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp (COBRA) trực thuộc chính phủ tối 16/10, phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Anh David Cameron cho biết tại thời điểm hiện nay, giới chức y tế Anh vẫn đánh giá thấp nguy cơ dịch Ebola xảy ra ở nước này.

Hiện Chính phủ Anh đang thảo luận công tác điều phối các nỗ lực quốc tế và tăng cường hỗ trợ các nhân viên quốc tế đang có mặt tại vùng dịch.

Tại Mỹ, tiến sỹ Thomas Frieden, Giám đốc các Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC), bày tỏ tin tưởng rằng dịch Ebola có thể được kiểm soát tại Mỹ nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn dịch bệnh đang hoành hành tại Tây Phi.

Trong khi đó, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cảnh báo do sự kiệt quệ của hệ thống chăm sóc y tế, khoảng 120.000 phụ nữ có thể chết trong khi sinh vào năm 2015 tại ba nước Tây Phi như Sierra Leone, Liberia và Guinea.

Tiến sỹ Babatunde Osotimehin, Giám đốc điều hành UNFPA đánh giá: "Thực tế là phụ nữ mang thai đang phải đối phó với mối đe dọa kép - tử vong vì Ebola hoặc do quá trình thai sản bởi tác động tàn khốc của dịch Ebola đối với đội ngũ nhân viên y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục