Các nhà khoa học đang tích cực triển khai việc lấy mẫu các lõi băng cổ xưa ở Bắc Cực, trước khi lớp băng này biến mất vĩnh viễn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học Italy, Pháp và Na Uy đang có mặt tại quần đảo Svalbard của Na Uy nằm ở Bắc Cực để thực hiện kế hoạch bảo tồn một phần của lớp băng quan trọng này.
Ông Jerome Chapellaz - Chủ tịch của tổ chức Ice Memory, cho biết trước nguy cơ các lớp băng này hoàn toàn bị tan biến khỏi bề mặt Trái Đất, trách nhiệm của các chuyên gia nghiên cứu về băng chính là bảo tồn những lõi băng cổ xưa này.
Theo tổ chức Ice Memory, nhóm nhà khoa học đã dựng tạm một cơ sở ở độ cao 1.100m trên sông băng Holtedahlfonna và dự kiến sẽ bắt đầu khoan để lấy các mẫu băng vào ngày 4/4.
Họ sẽ thực hiện dự án này trong 3 tuần dưới nền nhiệt -25 độ C, trong đó sẽ khoan, cắt và thu thập những lõi băng hình trụ có chiều cao khoảng 1m với đường kính 10cm.
Các lõi băng sẽ được lấy từ độ sâu 125m bên dưới bề mặt, chứa các dấu vết địa hóa có từ 3 thế kỷ trước.
Tổ chức này cho biết, trong dự án bảo tồn băng trên, một bộ lõi băng sẽ được sử dụng để phân tích ngay, trong khi một bộ khác sẽ được gửi đến Nam Cực để lưu trữ trong khu bảo tồn dưới tuyết, nơi các mẫu băng được bảo quản cho mục tiêu nghiên cứu khoa học trong tương lai.
[Băng ở vùng biển Nam Cực giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 45 năm]
Việc phân tích các hợp chất chứa trong lõi băng sẽ mang lại những hiểu biết khoa học giá trị về điều kiện môi trường trong quá khứ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nước từ băng tan chảy đang rò rỉ xuống và làm thay đổi các dấu vết địa hóa được lưu giữ trong lớp băng cổ xưa bên dưới.
Nhiệm vụ này có chi phí khoảng 760.000 USD, được tài trợ Bộ Giáo dục, Đại học và Nghiên cứu Italy tài trợ. Trước đó, Ice Memory đã thực hiện nhiều dự án bảo tồn băng ở dãy Alps và Andes.
Lượng khí thải CO2 do hoạt động của con người gây ra đã làm nhiệt độ Trái Đất tăng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nền nhiệt tại Bắc Cực đang ấm lên nhanh gấp từ 2-4 lần so với mức trung bình toàn cầu./.