Giới khoa học Ấn Độ phát hiện hiện tượng hiếm về các thiên hà

Nhóm nhà khoa học thuộc Viện Vật lý Thiên văn Ấn Độ đã phát hiện sự phát xạ bất thường từ trung tâm của thiên hà NGC7734 và một vệt sáng lớn dọc theo nhánh phía Bắc của thiên hà NGC7733.
(Nguồn: Reuters)

Các nhà khoa học Ấn Độ đã phát hiện 3 hố đen từ ba thiên hà, được hợp nhất thành bộ 3 nhân thiên hà hoạt động (AGN).

Bộ Khoa học và Công nghệ liên bang Ấn Độ ngày 27/8 cho biết đó là một khu vực nhỏ gọn, nằm ở trung tâm của một thiên hà mới được phát hiện có độ sáng cao hơn nhiều so với bình thường và "Sự xuất hiện hiếm hoi này trong vũ trụ gần chúng ta cho thấy rằng các nhóm nhỏ hợp nhất là những phòng thí nghiệm lý tưởng để phát hiện nhiều hố đen siêu lớn đang tích tụ, đồng thời gia tăng khả năng phát hiện những sự xuất hiện hiếm hoi như vậy."

Trong quá trình nghiên cứu cặp thiên hà tương tác NGC7733 và NGC7734, nhóm nhà khoa học thuộc Viện Vật lý Thiên văn Ấn Độ đã phát hiện sự phát xạ bất thường từ trung tâm của thiên hà NGC7734 và một vệt sáng lớn dọc theo nhánh phía Bắc của thiên hà NGC7733.

Các nghiên cứu tiếp đó cho thấy khối này đang di chuyển theo vận tốc khác so với thiên hà NGC7733.

Giới khoa học cho rằng khối này không phải là một phần của thiên hà NGC7733, mà đúng hơn, đó là một thiên hà nhỏ tách biệt phía sau nhánh của thiên hà này. Họ đặt tên cho thiên hà này là NGC7733N.

[NASA phát hiện vòng sáng kỳ lạ xung quanh hố đen trong vũ trụ]

Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ Kính viễn vọng Hình ảnh cực tím (UVIT), kính viễn vọng quang học trường tích hợp của châu Âu có tên MUSE ở Chile và hình ảnh hồng ngoại từ Kính thiên văn quang học (IRSF) ở Nam Phi để nghiên cứu hiện tượng này. 

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ liên bang Ấn Độ, các hố đen siêu lớn thường rất khó phát hiện vì chúng không phát ra bất kỳ ánh sáng nào, nhưng chúng có thể tiết lộ sự hiện diện của mình bằng cách tương tác với môi trường xung quanh.

Khi bụi và khí từ môi trường xung quanh rơi vào hố đen siêu lớn, một phần khối lượng đó sẽ bị hố đen nuốt chửng, nhưng một phần lại được chuyển hóa thành năng lượng và phát ra dưới dạng bức xạ điện từ, và điều này khiến hố đen phát sáng.

Chúng được gọi là nhân thiên hà hoạt động (AGN) và giải phóng một lượng lớn các hạt và năng lượng ion hóa vào thiên hà và môi trường của nó.

Cả hai điều này cuối cùng đều góp phần vào sự phát triển của môi trường xung quanh thiên hà và cuối cùng là sự tiến hóa của chính thiên hà.

Các nhà nghiên cứu cho biết một yếu tố chính ảnh hưởng đến sự tiến hóa của thiên hà là sự tương tác giữa các thiên hà, xảy ra khi các thiên hà di chuyển gần nhau và tác động lực hấp dẫn cực lớn đối với nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục