Giới doanh nghiệp châu Âu và Mỹ bội thu trong năm 2021

Tốc độ tăng lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ năm 2021 là 45,1% trong khi chỉ số STOXX Europe 600 của doanh nghiệp châu Âu được dự đoán tăng 16% trong năm nay.
Giới doanh nghiệp châu Âu và Mỹ bội thu trong năm 2021 ảnh 1Một phiên giao dịch tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 2021 là một năm bội thu đối với các doanh nghiệp ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương nhờ sự phục hồi kinh tế, cơ sở so sánh thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng.

Lợi nhuận doanh nghiệp tại Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng cao kỷ lục trong năm nay.

Ông John Butters, Phó Chủ tịch và là chuyên gia cấp cao của FactSet, cho biết tốc độ tăng lợi nhuận ước tính cho năm 2021 là 45,1%, cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình 5%/năm trong giai đoạn 2011-2020.

Dẫn dắt lợi nhuận doanh nghiệp trong năm nay là bốn lĩnh vực gồm công nghiệp, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng không thiết yếu và tài chính.

Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các doanh nghiệp châu Âu cũng đang ghi nhận kết quả kinh doanh đầy khởi sắc.

Ông Sebastian Segerstrom, chuyên gia về chiến lược sản phẩm của FactSet, cho biết chỉ số STOXX Europe 600 được dự đoán tăng 16% trong năm nay, cao hơn mức dự báo 14% được đưa ra hồi tháng Chín.

Ông cho biết đây là một “cú lội ngược dòng ngoạn mục” so với năm 2020, khi chỉ số STOXX Europe 600 giảm 11% và hơn 50% các lĩnh vực có trong chỉ số này ghi nhận lợi nhuận âm. Dẫn dắt đà tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tại châu Âu là các lĩnh vực năng lượng và vật liệu cơ bản.

Đằng sau sự khởi sắc trong lợi nhuận doanh nghiệp trong năm nay là đà phục hồi nhanh của nền kinh tế, cơ sở so sánh thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương.

Dẫn dắt sự phục hồi mạnh mẽ ở cả Mỹ và châu Âu đều là những lĩnh vực mang tính chu kỳ. Các lĩnh vực này biến động theo các chu kỳ kinh tế, tăng giảm cùng với hoạt động kinh tế nói chung.

[Doanh nghiệp Mỹ lao đao khi chuỗi cung ứng đứt gãy và thiếu hụt]

Trong khi đó, năm 2021 lại là năm của sự phục hồi kinh tế, khi tình trạng phong tỏa chống dịch được nới lỏng và kinh tế thế giới thoát khỏi sự suy thoái do đại dịch. Vì thế, bối cảnh kinh tế này đã thúc đẩy các lĩnh vực mang tính chu kỳ như công nghiệp, nguyên vật liệu và năng lượng. Đây cũng là những lĩnh vực được hưởng lợi từ sự gia tăng của lạm phát.

Bên cạnh đó, ông Butters cho rằng tốc độ tăng trưởng cao bất thường trong năm nay là do sự kết hợp giữa lợi nhuận doanh nghiệp tăng trong năm 2021 và cơ sở so sánh thấp của năm 2020 do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 tới nhiều ngành.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ nới lỏng cũng đóng góp vào kết quả lợi nhuận khả quan của doanh nghiệp. Trong suốt cả năm nay, ngân hàng trung ương nhiều nước ở châu Âu và Mỹ vẫn giữ các chính sách tiền tệ nới lỏng cho thời kỳ đại dịch.

Các chính sách này bao gồm các công cụ truyền thống nhằm giữ lãi suất ngắn hạn ở gần mức 0, và các công cụ phi truyền thống như nới lỏng định lượng nhằm giữ lãi suất dài hạn ở mức thấp kỷ lục. Lãi suất siêu thấp đã thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp theo hai cách, không những giúp duy trì mức chi tiêu cao trong nền kinh tế, từ đó thúc đẩy doanh thu cho các doanh nghiệp, mà còn làm giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp.

Lợi nhuận doanh nghiệp tăng đột biến trong năm 2021 nhờ nhiều yếu tố. Nhưng một vài yếu tố trong số đó có thể biến mất trong năm 2022. Ví dụ, đà phục hồi kinh tế đang có dấu hiệu giảm tốc, trong khi chính sách tiền tệ đang đảo chiều ở cả Mỹ và châu Âu, còn cơ sở so sánh cho năm 2022 lại bắt đầu ở mức cao hơn rất nhiều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ban Lãnh đạo và đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc với Agribank về đánh giá kết quả triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nơ xấu giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Vietnam+)

Những dấu ấn đậm nét của Agribank trong năm 2024

Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của Agribank đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 200.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt trên 1,72 triệu tỷ đồng, tăng trên 170.000 tỷ đồng (+11%); tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,56%.