Giới đầu tư chờ đợi gói kích thích 2.000 tỷ nhân dân tệ của Trung Quốc

Các chuyên gia kỳ vọng Trung Quốc sẽ đưa ra gói kích thích tài khóa mới trong vòng sáu tháng tới nếu Bộ trưởng Tài chính Lam Phật An không thông báo về việc này trong cuộc họp báo sắp tới.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới đầu tư và các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ triển khai gói kích thích tài khóa mới trị giá lên tới 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 283 tỷ USD) nhằm củng cố nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và thúc đẩy niềm tin thị trường.

Đây là điều mà các nhà đầu tư và chuyên gia trong cuộc khảo sát mới đây của Bloomberg kỳ vọng Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc sẽ công bố trong buổi họp báo ngày 12/10.

Giới chức nước này cũng dự kiến tổ chức một cuộc họp báo khác vào đầu tuần sau về việc tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Trung Quốc đã hạ lãi suất và tăng cường hỗ trợ cho thị trường bất động sản và chứng khoán bằng một loạt biện pháp được công bố vào cuối tháng Chín. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn kêu gọi các hành động can thiệp tài khóa mạnh mẽ hơn, điều mà các chuyên gia kinh tế cho là rất quan trọng để khôi phục niềm tin.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn biến động trong suốt tuần này sau khi kết thúc chuỗi tăng 10 ngày liên tiếp vào phiên 9/10, khi giới chức nước này không công bố thêm các biện pháp kích thích mới sau kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần. Chỉ số CSI 300 đã giảm hơn 1% vào đầu phiên giao dịch 11/10.

Phần lớn những người tham gia khảo sát, bao gồm các chuyên gia kinh tế, chiến lược gia và các nhà quản lý quỹ, kỳ vọng Trung Quốc sẽ đưa ra gói kích thích tài khóa mới trong vòng sáu tháng tới nếu Bộ trưởng Tài chính Lam Phật An không thông báo về việc này trong cuộc họp báo sắp tới.

Họ dự báo Trung Quốc sẽ phát hành thêm trái phiếu chính phủ để mở rộng chi tiêu công cho đến cuối năm sau, trong đó trái phiếu đặc biệt là lựa chọn khả dĩ nhất. Bốn người được hỏi dự đoán gói kích thích có thể vượt 3.000 tỷ nhân dân tệ.

Một phần của gói kích thích được dự đoán sẽ nhắm vào hoạt động tiêu dùng, vốn là một điểm yếu trong quá trình phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc. Những người được hỏi cho biết các biện pháp có thể bao gồm tăng trợ cấp cho các nhóm đối tượng như người già và người nghèo, phát hành các phiếu mua hàng tiêu dùng, tăng cường hỗ trợ cho các gia đình có con nhỏ, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, và tăng trợ cấp cho người mua hàng tiêu dùng và ôtô.

Trước đây, Trung Quốc thường dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng để vực dậy nền kinh tế sau các đợt sụt giảm. Tuy nhiên, tình trạng bão hòa cơ sở hạ tầng sau hàng chục năm đô thị hóa khiến việc rót tiền vào lĩnh vực này có thể kém hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng ở thời điểm hiện tại.

Quý 2 vừa qua, Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng yếu nhất trong năm quý. Các số liệu kinh tế cho thấy nhu cầu trong nước vẫn yếu, với tình trạng giảm phát có dấu hiệu gia tăng trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp ở mức thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục