Giới chuyên gia: Triển vọng tăng trưởng kinh tế lạc quan của Việt Nam năm 2024

Nhà kinh tế tại công ty đa quốc gia về dịch vụ tài chính Citi (Mỹ) nhận định sau khi đóng băng vào đầu năm 2023, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã phục hồi vào nửa cuối năm.

Bốc dỡ container tại cụm cảng Cái Mép, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Bốc dỡ container tại cụm cảng Cái Mép, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trang The Banker (Anh) dẫn ý kiến của các chuyên gia nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế lạc quan của Việt Nam trong năm 2024.

Năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt 6-6,5%, đưa Việt Nam trở thành một trong những môi trường tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á.

Theo ông Khánh Vũ, Phó Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư VinaCapital, sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi các yếu tố tăng trưởng của toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - từ xuất khẩu, sản xuất, du lịch đến tiêu dùng trong nước và tâm lý tiêu dùng.

Lương của khu vực công sẽ tăng từ giữa năm, là một lý do khiến chi tiêu trong nước trong năm 2024 sẽ mạnh hơn năm 2023.

Tăng trưởng kinh tế cũng được hỗ trợ nhờ môi trường lãi suất thuận lợi. Theo ông Vũ, điều đáng khích lệ là các công ty hiện đang vay để làm vốn lưu động và chi tiêu vốn.

Cách đây một năm, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất từ 9-10%, nhưng giờ đây có thể vay với lãi suất 5-7%. Lãi suất huy động giảm nhanh hơn lãi suất cho vay nên lãi suất cho vay có lẽ sẽ còn giảm sâu hơn.

Nhà kinh tế Helmi Arman tại Citi, công ty đa quốc gia về dịch vụ tài chính có trụ sở ở Manhattan (Mỹ) nhận định sau khi đóng băng vào đầu năm 2023, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã phục hồi vào nửa cuối năm.

Chính phủ đang thúc đẩy các cải cách cơ cấu nhằm đặt nền móng cho sự phục hồi bền vững hơn trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra ngay lập tức.

Đến năm 2025, Luật Đất đai sửa đổi được thông qua gần đây mới có hiệu lực.
Đối với các nhà đầu tư quốc tế, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn hấp dẫn nhất, đặc biệt là chuỗi cung ứng điện thoại thông minh và điện tử tiêu dùng.

Đối với các nhà đầu tư trong nước, xuất khẩu hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất đang được quan tâm nhiều nhất.

Xu hướng nhiều công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam đã mang lại lợi ích. Khi hướng tới sản xuất chất bán dẫn, Chính phủ Việt Nam có chiến lược mở rộng quy mô trong toàn bộ chuỗi cung ứng bằng cách tăng năng lực kiểm tra và đóng gói chip bán dẫn.

Sức mạnh của ngành sản xuất đang có tác động tích cực đến dòng xuất khẩu. Chuyên gia kinh tế Khánh Vũ và Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Quỹ quản lý đầu tư Manulife Kenglin Tan đều lạc quan về một số dấu hiệu ổn định trong xuất khẩu của Việt Nam.

Đã có một số ý kiến lo ngại rằng quyết định của Việt Nam áp dụng mức “thuế tối thiểu toàn cầu” sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư, nhưng điều này đã không xảy ra.

Theo bà Kenglin Tan, ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, dù đầu tư vào Việt Nam hay các nước khác theo hiệp định như Mexico hay Thái Lan, họ đều chịu ảnh hưởng từ chính sách tương tự.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 12/2023 cho thấy các nhà đầu tư không hề bị cản trở.

Sự quan tâm đến FDI cũng tăng. Hàn Quốc đã nêu rõ mục tiêu vượt 100 tỷ USD tổng vốn đầu tư vào năm 2025.

Đến nay, nước này đã đầu tư 84 tỷ USD vào Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, với 62 tỷ USD đầu tư vào hơn 4.600 dự án, gồm các nhà sản xuất lớn như Samsung, LG và SK.

Một dự án lớn được hưởng lợi từ FDI là Sân bay Quốc tế Long Thành. FDI cho dự án này đến từ Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.

Để tiếp tục phát triển tiềm năng đầu tư quốc tế, Việt Nam đang mở cửa thị trường chứng khoán bằng cách cho phép các nhà môi giới trong nước bảo lãnh cho các nhà đầu tư nước ngoài, cho phép họ mua cổ phiếu.

Theo nhà kinh tế Arman, việc cho phép mức sở hữu nước ngoài lớn hơn có thể giảm thiểu những cú sốc trong tương lai. Giới hạn sở hữu nước ngoài là vấn đề được chú ý khi nói tới thu hút đầu tư vào các thị trường vốn của Việt Nam.

Việt Nam cũng cần tăng cường vốn hóa khu vực ngân hàng nếu muốn hấp thụ tốt hơn tác động của suy thoái kinh tế trong tương lai và duy trì tăng trưởng bền vững.

Trong lĩnh vực du lịch, lượng du khách tới Việt Nam đã phục hồi về mức 70% so với mức trước COVID-19. Đáng chú ý, du lịch nội địa đang bùng nổ. Triển vọng du lịch là lạc quan.

Theo báo cáo từ công ty dữ liệu Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam, 66% số người được hỏi trong lĩnh vực du lịch và khách sạn bày tỏ niềm tin vào năm 2024.

Trong số những người được hỏi, 93% cho biết các quy định thị thực mới sẽ là đòn bẩy cho lộ trình phát triển du lịch của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục