Theo trang mạng eurasiareview.com, nhiều cố vấn tài chính và tổ chức quốc tế tiếp tục dự báo giá dầu sẽ duy trì ở mức thấp, trong bối cảnh từ đầu tháng 12 này giá dầu trên thị trường thế giới có sự dao động nhẹ, theo đó giá dầu thô Brent ở mức từ 60-62 USD/thùng.
Trong báo cáo về Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ mức dự báo giá dầu thô Texas ngọt nhẹ (WTI) trong năm 2019 xuống mức trung bình 54,19 USD/thùng, giảm 10,66 USD so với dự đoán trước đó.
[Các nước vùng Vịnh đối diện kịch bản giá dầu thấp trong dài hạn]
EIA cũng dự đoán giá dầu thô Brent sẽ duy trì ở mức trung bình 61 USD/thùng, giảm 10,92 USD so với con số trước đó.
Những điều chỉnh của EIA căn cứ vào thực tế sản lượng toàn cầu hiện đạt mức kỷ lục, đặc biệt là tại Mỹ, và nhu cầu tiêu thụ thấp hơn bình thường.
EIA dự đoán sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2018 ở mức trung bình 10,88 triệu thùng/ngày, tăng so với con số 9,35 triệu thùng trong năm 2017, và có khả năng sẽ tăng lên 12,06 triệu thùng trong năm tới.
Ngày 10/12, Doanh nghiệp Dầu mỏ Quốc gia (NOC) của Libya cho biết hoạt động xuất khẩu dầu tại mỏ dầu El Sharara bất ngờ gián đoạn sau khi xảy ra một cuộc xung đột trong khu vực và lực lượng an ninh quốc gia đã được điều động tới mỏ dầu El Sharara và El Feel.
Thiệt hại ước tính tương đương 400.000 thùng dầu/ngày trong khi hoạt động tại nhà máy lọc dầu Zawiya có thể phải tạm ngừng.
Việc chính phủ không thể kiểm soát nguồn cung dầu tại Libya cho thấy quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đưa Libya vào danh sách miễn cắt giảm sản lượng là đúng.
Iran và Venezuela là hai quốc gia khác cũng được hưởng quy chế miễn trừ này.
Trước đó nhiều người đã vội vã kết luận rằng việc được hưởng quy chế miễn trừ sẽ cho phép Libya có cơ hội tăng sản lượng vượt mức trần của OPEC.
Tuy nhiên, không thể xem thường những bất ổn tại các mỏ dầu của Libya, bởi việc gián đoạn hoạt động tại các khu cảng có thể gây hậu quả và sự đình trệ lâu dài.
Một thông tin khác khiến giá dầu khó có thể tăng là tuyên bố của chính quyền tỉnh Alberta (miền Tây Canada), về việc kiềm chế sản lượng đầu ra dầu thô và nhựa đường.
Quyết định này là nhằm đối phó với giá dầu ở mức thấp và tình trạng thiếu tiền mặt của ngành công nghiệp năng lượng.
Đây là quyết định cắt giảm sản lượng đầu tiên do chính quyền địa phương Canada đưa ra kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Sức ép đối với ngành dầu mỏ tại Mỹ cũng rất rõ ràng. Lợi nhuận thu được từ xăng tại Mỹ liên tục ở mức thấp đã tác động tiêu cực tới các nhà sản xuất sản phẩm thô tại Mỹ và châu Âu.
EIA cho biết vào cuối tháng 11 vừa qua, nguồn cung dư thừa đã khiến lợi thuận thu được từ sản phẩm tinh chế của Mỹ rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Giá xăng tại Mỹ đã liên tục giảm trong 9 tháng.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục tăng xuất khẩu xăng bất chấp sự sụt giảm trong kho chứa nội địa.
Trong tuần cuối tháng 11, Mỹ xuất khẩu nhiều dầu thô và các sản phẩm xăng dầu hơn mức nhập khẩu.
Lần đầu tiên trong gần 5 năm trở lại đây, lợi nhuận từ xăng tại châu Âu cũng tụt dốc từ khoảng giữa tháng 10, trong bối cảnh nguồn cung dư thừa còn nhu cầu tại khu vực Đại Tây Dương lại sụt giảm.
Các nhà sản xuất và lọc dầu đã phải giảm sản lượng, và trông cậy nhiều hơn vào việc nhập khẩu xăng từ Mỹ.
Các nhà lọc dầu châu Âu hiện tập trung chủ yếu vào lợi nhuận thu được từ hoạt động tinh chế diesel./.